Docly

Vần thơ là gì, Hướng dẫn cách gieo vần khi sáng tác thơ

Vần thơ là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về cách gieo vần thơ cũng như cập nhậ thêm nhiều thông tin thú vị khác. Hy vọng, dựa vào khái niệm đó mà Trang Tài Liệu sẽ giúp bạn hoàn thiện tốt bài tập của mình, cũng như hiểu hơn về ý nghĩa của vần thơ.

Vần Thơ Là Gì?

Vần thơ là những chữ có cách phát âm giống nhau hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong các bài thơ. Làm thơ gieo vần là một quy luật để nối các câu trong bài thơ với nhau. Thường vần được dùng để nối câu gieo vào chữ cuối cùng của câu thơ.

Ví dụ: tôi – thôi (giống nhau vần “ôi”); trắng – lặng (giống nhau vần “ăng”)

Vần Trong Thơ Là Gì

Phân loại vần thơ

  • Nếu chia theo dấu của tiếng thì có: vần bằng và vần trắc.
  • Nếu chia theo vị trí bắt vần thì có: vần lưng và vần chân.

👉Vần bằng và vần trắc

– Vần bằng là vần dùng toàn thanh bằng bắt với nhau. Thanh bằng thì có thanh huyền và thanh ngang

=> Ví dụ: tôi – thôi (vần bằng – hai chữ đều thanh ngang).

– Vần trắc là vần dùng toàn thanh trắc bắt với nhau. Thanh trắc gồm những dấu còn lại. 

=>Ví dụ: trắng – lặng (vần trắc – dấu sắc bắt với dấu nặng)

👉Vần lưng và vần chân

– Vần lưng là vần bắt ở giữa câu. Ví dụ: (“lặng” bắt vần với “nắng”)

“Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê”

– Vần chân là vần bắt ở cuối câu. Ví dụ: (“chồng” bắt vần với “không”)

“Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! người ấy có buồn không?”

Vần Thơ Hay Vầng Thơ

Vần :

  •  Gốc là chữ Vận  ( 韻 ) từ Hán Việt. Có nghĩa hai chữ đồng âm như bông, không, mộng…
  •  Là từ nôm có nghĩa là những nguyên âm và phụ âm ghép lại thành chữ hay còn gọi là Ráp Vần trong cách ghép chữ Việt . Thí dụ : chữ bông do b ghép với vần ông.

Vầng: còn được gọi là Vừng: Vầng trăng, vừng trăng…Từ này được các văn nghệ sĩ ở Miền Nam sau 1954 đến 1975 sử dụng và ngày nay vẫn tiếp tục sử dụng:

  • Vầng mây: đám mây
  • Vầng thơ: bài thơ…

Ví dụ: Khi Phạm Duy phổ nhạc bài “Thơ Sầu Rụng” của Lưu Trọng Lư. Ông đặt tên bài hát là “Vầng Thơ Sầu Rụng”

=>Như vậy,ta có thể nhìn vào các trang mạng cũng như các diễn đàn thơ ca ngày nay, chúng ta rất ít thấy từ “vầng thơ” mà hầu hết đều dùng chữ “vần thơ”.

Những Cách Gieo Vần Thơ

Cách Gieo Vần Thơ 4 Chữ

Nếu chữ thứ 2 là trắc thì chữ thứ 4 là bằng và ngược lại. Còn về cách gieo vần ở thể thơ này được chia làm 2 loại gồm gieo vần tiếp và gieo vần tréo. Ngoài ra còn một cách gieo vần nữa nhưng không phổ biến là gieo vần 3 tiếng. Cụ thể như sau:

Gieo vần tiếp

x B x T (v1)
x B x T (v1)
x T x B (v2)
x T x B (v2)

Ví dụ

Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…”
(Trần Đăng Khoa)

Gieo vần tréo

x B x T (v1)
x T x B (v2)
x B x T (v1)
x T x B (v2)

Ví dụ

Bò ơi, bò nghỉ
Sau buổi cày mai
Có gì ngẫm nghĩ
Nhai mãi, nhai hoài…
(Huy Cận)

Gieo vần 3 tiếng

Lá đổ rào rào,
Trăng vàng xôn xao
Chuỗi cười ha hả,
Trên cánh đồi cao.

Cách Gieo Vần Thơ Lục Bát

Thơ lục bát cũng có quy định nghiêm ngặt về cách gieo vần: hiệp vần ở tiếng thứ 6 của 2 dòng và giữa tiếng thứ 8 của dòng bát với tiếng thứ 6 của dòng lục. Trong câu bát, tiếng 6 và 8 tuy cùng vần bằng nhưng một tiếng có dấu huyền và một tiếng không có dấu.

Ví dụ:

Thôn đoài ngồi nhớ thôn Ðông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
(Nguyễn Bính)

Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
(Huy Cận)

Có hai ngoại lệ trong thơ lục bát:

  • Tiếng thứ 2 câu lục có thể là trắc, khi ấy nhịp thơ ngắt ở giữa câu.

Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi.
(Nguyễn Du)

  • Tiếng cuối câu lục có thể vần với tiếng 4 câu bát, khi đó tiếng 2 và 6 của câu bát sẽ đổi ra trắc. Câu thơ sẽ ngắt nhịp ở giữa câu bát, như trong câu ca dao sau:

Đêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.

Cách Gieo Vần Thơ 7 Chữ

2 4 6
bằng trắc bằng
2 4 6
trắc bằng trắc

Ví dụ:

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người
(Xuân Diệu)

👉Cách gieo vần

-Vần tréo (thường dùng): Nhiều khi trong thi đoạn bốn câu, chỉ cần hai tiếng bằng ở cuối câu hai và bốn vần với nhau, hai tiếng trắc cuối câu một và ba không cần:

Ví dụ:

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!
Một hôm trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.
(Huy Cận)

-Vần ba tiếng bằng (thường dùng)

Ví dụ:

Dĩ vãng nào xanh như mắt em?
Chao ôi! Màu tóc rợn từng đêm!
Hàng mi khuê các chìm sương phủ
Vời vợi ngàn sao nhạt dáng xiêm.
(Đinh Hùng)

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
(Huy Cận)

Cách Gieo Vần Thơ 8 Chữ

Cách gieo vần

👉Vần tiếp: Sẽ là hai vần bằng tiếp theo là hai vần trắc,hoặc ngược lại

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách cố nhiên nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa…
(Hồ Dzếnh)

👉Vần tréo(Vần gián cách): Một vần bằng rồi tới một vần trắc. Như vậy, câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4.

Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị
Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô
Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão
Gió đưa trăng lăn vào đá tiếng ru
(Tô Thùy Yên)

👉Vần ôm: Câu 1 vần với câu 4, câu 2 vần câu 3.

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
(Nguyên Sa)

Cách Gieo Vần Thơ Đường Luật

Vần được gieo ở cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là “vần với nhau”. Nếu một bài thơ Đường luật mà chữ cuối của một trong các câu này không vần với nhau thì được gọi “thất vần”.

Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là “vần chính”, những chữ có vần gần giống nhau gọi là “vần thông”. Hầu hết thơ Đường luật dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ.

Ví dụ: hai câu 1, 2 trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:

Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Ta có 2 chữ “tà” và “hoa” vần với nhau, trường hợp này là vần thông

Cách Gieo Vần Thơ Thất Ngôn Bát Cú

Luật bằng vần bằng: Luật bằng vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và đều là vần bằng. 

Ví dụ:

Mèo nào đông rét cuộn trong lò
Mỉu nào êm nệm chẳng lấm tro
Chú quê cả đời luôn độc lập
Ả thành trọn kiếp mất tự do
Trần gian săn chuột luôn ngạo nghễ
Bếp nhà lục bánh mãi tẽn tò
Ước được như ai đời phiêu lãng
Bởi chút vàng son dạ đắn đo

Luật trắc vần bằng:

Luật trắc vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và phải là vần bằng. 

Ví dụ:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
“Bà Huyện Thanh Quan”

Cách Gieo Vần Thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt

  • Âm điệu của bài thơ phải làm theo chính luật.
  • Về vần điệu, nên gieo vần ở cuối của các câu 1-2-4 xen kẽ tiếng không có dấu và tiếng có dấu huyền để âm điệu bài thơ được du dương trầm bổng. 
  • Thơ thất ngôn tứ tuyệt có thể được gieo vần thông vận hoặc theo luật bất tận 

Thơ thất ngôn tứ tuyệt có 2 thể là luật trắc vần bằng và luật bằng vần bằng. Mỗi thể có một bảng luật được xem là “công thức” căn bản” để người làm thơ tuân thủ theo:

👉Bảng luật trắc vần bằng – 3 vần không đối

T – T – B – B – T – T – B (gieo vần) 

B – B – T – T – T – B – B (gieo vần) 

B – B – T – T – B – B – T 

T – T – B – B – T – T – B (gieo vần) 

Ví dụ:

Thuở ấy tuy còn tuổi ấu thơ
Mà sao vẫn nhớ đến bây giờ
Xuân về nũng nịu đòi mua pháo
Để đón giao thừa thỏa ước mơ

👉Bảng luật bằng vần bằng – 3 vần không đối

B – B – T – T – T – B – B (gieo vần) 

T – T – B – B – T – T – B (gieo vần) 

T – T – B – B – B – T – T 

B – B – T – T – T – B – B (gieo vần) 

Lưu ý: Các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc cùng vần với nhau

Ví dụ:

Đôi mình cách biển và ngăn sông 
Dõi mắt tìm nhau nhỏ lệ hồng 
Ngắm ánh trăng thề nhớ kỷ niệm 
Đêm trường thao thức nhớ mênh mông

Gieo vần thơ là quá trình tạo ra âm điệu và sự hài hòa trong bài thơ bằng cách sắp xếp các từ sao cho chúng có vần và ngữ điệu thích hợp. Để gieo vần thành công, người viết thơ cần chọn vần phù hợp với ý muốn truyền tải và định rõ kiểu vần sẽ áp dụng. Một trong những kiểu vần phổ biến là vần đối xứng, trong đó các dòng thơ có thể lặp lại cấu trúc vần như ABBA hoặc AABB. Cũng có thể sử dụng vần không đối xứng, nghĩa là các dòng thơ có thể có các vần khác nhau như ABAC hay ABCB. Ngoài ra, vần xen kẽ cũng tạo hiệu ứng đặc biệt cho bài thơ khi các dòng thơ có cấu trúc vần khác nhau, như ABCD.