Docly

Phong kiến là gì? Bản chất của chế độ phong kiến

Lịch sử xã hội loài ngoài đã từng trải qua chế độ phong kiến hà khắc, chèn ép và bóc lột những người thấp cổ bé họng đẩy họ rơi vào những hoàn cảnh cùng cực. Vậy Phong kiến là gì? Những đặc trưng cơ bản của nhà nước phong kiến Việt Nam, hãy cùng Trang tài liệu tìm hiểu để biết thêm về chế độ này nhé.

Phong kiến là gì?

Khái niệm: Phong Kiến là phong tước và kiến quốc chỉ việc nhà vua phong tước, chia đất để chư hầu dựng nước ở khu vực đã được phong, theo Hán Việt từ điển của cụ Nguyễn Văn Khôn.

Như vậy chế độ phong kiến gồm có vua, chư hầu và phong địa. Vua là người đứng đầu một nước, chư hầu  chỉ vua chúa cấp dưới bị phụ thuộc, phải phục tùng và được một vua chúa lớn mạnh hơn làm thiên tử thống trị tối cao và phong địa là đất phong cho chư hầu, có tư cách như một nước độc lập và truyền từ đời này sang đời khác.

Bản chất của chế độ phong kiến

Chế độ phong kiến là chế độ địa chủ bóc lột nông dân. Cơ sở kinh tế của nhà nước phong kiến là phương thức sản xuất phong kiến với nét đặc trưng là chế độ chiếm hữu ruộng đất của vua chúa phong kiến và giai cấp địa chủ. Lực lượng sản xuất chủ yếu trong xã hội là giai cấp nông dân.

Chế độ phong kiến được chia làm hai giai cấp là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị bao gồm các vua chúa, địa chủ và giai cấp bị trị chính là những người nông dân bị bóc lột sức lao động.

Đối với các nhà nước phong kiến thì bộ máy nhà nước là công cụ phục vụ và bảo vệ quyền lợi của vua chúa phong kiến và địa chủ, đồng thời, là công cụ trấn áp giai cấp nông dân và những người lao động khác trong xã hội.

Hình thức phổ biến của nhà nước phong kiến là chính thể quân chủ chuyên chế với quyền lực vô hạn của vua chúa.

Bộ máy nhà nước phong kiến mặc dù chưa có sự phân chia cũng như thực hiện quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng ở trung ương cũng đã hình thành nên các bộ với những chức năng khác nhau, còn ở địa phương, các quan lại vừa thực hiện quyền cai trị hành chính, đồng thời, vừa là thực hiện chức năng xét xử.

Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến

Xã hội phong kiến phương Đông

Được hình thành sớm (từ thế kỷ III TCN đến khoảng thế kỷ X), nhưng lại phát triển chậm chạp (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV), quá trình khủng hoảng suy vong kéo dài từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX, lệ thuộc hoặc là thuộc địa của các nước tư bản phương Tây.

Xã hội phong kiến phương Tây

Được hình thành muộn hơn (từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ X), phát triển trong giai đoạn từ thế kỷ XI đến khoảng thế kỷ XV, kết thúc sớm hơn, rơi vào khủng hoảng suy vong (từ thế kỷ XIV đến khoảng thế kỷ XV) nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản.

Cơ sở kinh tế của xã hội phong kiến chủ yếu là kinh tế nông nghiệp kết hợp chăn nuôi và một số nghề thủ công nghiệp.

+ Ở phương Đông: sản xuất nông nghiệp đóng kín trong các công xã nông thôn.

+ Ở phương Tây: sản xuất nông nghiệp đóng kín trong các lãnh địa phong kiến.

Ruộng đất nằm trong tay lãnh chúa hay địa chủ, giao cho nông dân hay nông nô cày cấy rồi thu tô, thuế.