Docly

Cách mạng tư sản là gì, Lịch sử cách mạng tư sản đầu tiên

Cách mạng tư sản là một thuật ngữ rất quen thuộc. Vậy Cách mạng tư sản là gì? Các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên, điển hình? Trong bài viết này, Trang Tài Liệu sẽ đưa ra những nội dung cơ bản nhất về chủ đề này.

Trong lịch sử thế giới cận đại, cách mạng tư sản được coi là một trong những vấn đề lớn và có những ý nghĩa quan trọng, cách mạng tư sản không chỉ đánh dấu sự thay đổi của chính những quốc gia tiến hành cách mạng, mà cách mạng tư sản còn là bước chuyển mình của nền cách mạng thế giới. Nhiều người cho đến giai đoạn hiện nay vẫn chưa hiểu cách mạng tư sản là gì và những vấn đề liên quan đến cách mạng tư sản. Chính vì vậy mà bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách mạng tư sản là gì? Các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu?

Cách mạng tư sản là gì?

Cách mạng là một hoặc những cuộc biến đổi trong lĩnh vực nào đó nhằm dẫn đến sự thay đổi lớn, theo chiều hướng tiến bộ. Theo học thuyết Mác, cách mạng tư sản là cuộc cách mạng do giai cấp tư sản (còn được gọi dưới cái tên giai cấp quý tộc mới) lãnh đạo. Mục đích của cuộc cách mạng này là nhằm lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Vào thế kỷ XV, trên cơ sở nền sản xuất công trường thủ công, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện các xưởng dệt vải, luyện kim, nấu đường… có thuê mướn nhân công. Nhiều thành thị trở thành trung tâm sản xuất và buôn bán. Các ngân hàng được thành lập và ngày càng có vai trò to lớn. Đó là nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với sự hình thành hai giai cấp mới: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

Trong nền sản xuất mới, giai cấp tư sản có thế lực về kinh tế, nhưng không có quyền lực chính trị, bị nhà nước phong kiến kìm hãm. Nhân dân lao động (chủ yếu là nông dân, thợ thủ công, công nhân) bị áp bức, bóc lột nặng nề. Mâu thuẫn giữa chế độ phong kiến với giai cấp tư sản và các tầng lớp nhân dân ngày càng gay gắt. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cuộc đấu tranh.

Hình thức của các cuộc cách mạng tư sản

Ở các quốc gia, hình thức đấu tranh của cách mạng tư sản là gì? Tổng kết lại lịch sử thế giới thì các cuộc cách mạng tư sản thường được diễn ra với các hình thức tiêu biểu như sau:

Nội chiến

Cuộc chiến tranh xảy ra giữa các thành phần xã hội trong cùng một quốc gia. Tiêu biểu cho hình thức này là cuộc cách mạng tư sản Anh diễn ra vào thế kỷ XVII ( 1642 – 1689)

Thời kỳ này, giai cấp tư sản Anh ngày càng lớn mạnh. Kéo theo đó là sự phát triển của công nghiệp, thương mại, tài chính. Sự thay đổi của kinh tế xã hội đã đẩy những mâu thuẫn giữa tầng lớp tư sản, quý tộc mới với nền quân chủ chuyên chế ngày càng trở nên gay gắt.

Mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm, chiến tranh nổ ra khi Vua Anh tăng cường đàn áp các cuộc phản kháng của tầng lớp quý tộc mới để bảo vệ quyền lợi của mình. Cuộc chiến kết thúc với thắng lợi thuộc về phe quý tộc mới.

Cách mạng tư sản Anh thành công do đã nhận được sự ủng hộ triệt để của nhân dân lao động. Cuộc cách mạng này đã hình thành kiểu nhà nước mới đầu tiên trên thế giới, nhà nước cộng hòa, chế độ quân chủ lập hiến, vua không nắm thực quyền mà quyền lực nằm trong tay quốc hội do giai cấp tư sản nắm giữ.

Cách mạng tư sản Anh đem lại thắng lợi cho giai cấp tư sản, thúc đẩy kinh tế tư bản phát triển nhưng không bảo vệ được quyền lợi cho nhân dân lao động.

Cách mạng quần chúng

Là cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân, coi trọng sức mạnh của quần chúng. Tiêu biểu cho hình thức đấu tranh này là cách mạng tư sản Pháp năm 1789.

Trước cách mạng tư sản, về kinh tế nước Pháp có nền nông nghiệp thô sơ, lạc hậu, năng suất thấp, đói kém nhưng lại có công thương nghiệp phát triển. Về chính trị, Pháp là nước có chế độ quân chủ chuyên chế. Chế độ này đã kìm hãm sự phát triển của công thương nghiệp bằng những chính sách về thuế má, tiền tệ. Liên tục có các cuộc khởi nghĩa nổ ra chống lại chế độ quân chủ chuyên chế Pháp trong năm 1788 – 1789.

Cách mạng tư sản Pháp chính thức nổ ra năm 1789 bằng sự kiện quần chúng nhân dân Paris đánh chiếm ngục Bastille sau đó lan rộng khởi nghĩa ra cả nước.

Khởi nghĩa thành công, giới tư sản và quý tộc tự do lên nắm chính quyền và ra bản “ Tuyên ngôn nhân quyền”. Bản tuyên ngôn này chính là cương lĩnh cách mạng của giai cấp tư sản. Cách mạng tư sản Pháp chấm dứt và giành thắng lợi vào năm 1794 xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thiết lập nên nhà nước cộng hòa.

Trong cách mạng tư sản Pháp, lực lượng cách mạng chính là quần chúng nhân dân. Sau khi cách mạng thành công, một số quyền lợi của quần chúng nhân dân được đáp ứng. Thêm vào đó chế độ quân chủ chuyên chế hoàn toàn bị xóa bỏ. Do đó có thể nói cách mạng tư sản Pháp là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất.

Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa đồng thời mở đường cho giai cấp tư sản lên nắm chính quyền. Tiêu biểu cho hình thức này là cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ diễn ra vào cuối thế kỷ XVIII.

Bắc Mỹ là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đất đai màu mỡ. Đến đầu thế kỷ XVIII, thực dân Anh đã thành lập được ở đây 13 bang thuộc địa theo con đường tư bản chủ nghĩa. Để đảm bảo quyền lợi và dễ dàng kiểm soát thuộc địa, thực dân Anh kìm hãm sự phát triển của công thương nghiệp thuộc địa. Điều này đã làm mâu thuẫn giữa thuộc địa và chính quốc ngày càng trở nên gay gắt, và chiến tranh nổ ra là điều tất yếu.

Chiến tranh bắt đầu vào tháng 12/1773 và kết thúc năm 1783 bằng sự kiện Anh ký hiệp ước Vecxai công nhận nền độc lập của 13 bang thuộc địa, nhà nước cộng hòa mới ra đời.

Cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ có ý nghĩa quan trọng, giải phóng vùng thuộc địa rộng lớn ở Bắc Mỹ, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở khu vực châu Mỹ. Đồng thời chiến thắng này cũng ảnh hưởng đến phong trào giải phóng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thống nhất quốc gia

Hình thức đấu tranh của các nước đang bị chia cắt nhằm mục đích thống nhất lãnh thổ. Đây là hình thức cách mạng của các nước như Đức, Italia.

Cải cách duy tân 

Là chuỗi các cuộc cải cách, cách tân ở các nước phong kiến dẫn đến những thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị ở các nước đó. Tiêu biểu cho hình thức này là cải cách duy tân ở Nhật năm 1868.

Đầu thế kỷ XIX, Nhật bản là một nước phong kiến, trong đó đứng đầu là Thiên hoàng. Nhưng thực tế quyền lực chính trị lại thuộc về tay Sho-gun (tướng quân), người đứng đầu chính quyền Mạc phủ Tokugaoa.

Về kinh tế, nền nông nghiệp lạc hậu dẫn đến mất mùa đói kém liên tục xảy ra. Nhưng ngược lại, công thương nghiệp phát triển mạnh. Kéo theo đó tầng lớp tư sản công thương nghiệp ngày càng giàu có. Đây chính là mầm mống để quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển.

Chính trị khủng hoảng, kinh tế tư bản phát triển mạnh đẩy những mâu thuẫn xã hội lên cao, giặc ngoại xâm lăm le xâm lược. Những vấn đề này đã làm nổ ra các cuộc đấu tranh lật đổ Sho-gun, quyền lực trở về tay Thiên hoàng. Hàng loạt những cải cách tiến bộ được tiến hành nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng phong kiến lạc hậu:

  • Về chính trị, thành lập chính phủ mới, ban hành Hiến pháp mới, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.
  • Về kinh tế, thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường, cho phép mua bán ruộng đất, thúc đẩy kinh tế tư bản phát triển ở nông thôn.

Những cải cách trên cùng hàng loạt những cải cách trên nhiều lĩnh vực đời sống đã giúp nước Nhật thoát khỏi nguy cơ bị xâm lược,trở nên giàu mạnh.

Lực lượng của cách mạng tư sản 

Lực lượng tham gia cách mạng tư sản bao gồm: giai cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân. Trong đó giai cấp lãnh đạo là giai cấp tư sản. Quần chúng nhân dân chủ yếu là nông dân và bình dân thành thị và đây cũng là lực lượng tham gia chính trong cuộc cách mạng tư sản.

Cần lưu ý rằng, mối liên minh giữa giai cấp tư sản và quần chúng nhân dân trong cách mạng tư sản chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định. Giai cấp tư sản sau khi đạt được mục đích cuối cùng của họ là thiết lập chính quyền thì họ sẽ không còn quan tâm đến nguyện vọng của quần chúng nhân dân và quay lưng lại với quần chúng, đàn áp những phong trào nhân dân mà họ cho là quá khích.

Tính chất của các cuộc cách mạng tư sản

Do tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước khác nhau nên mỗi cuộc cách mạng tư sản ở mỗi quốc gia có tính chất khác nhau.

  • Cách mạng tư sản Anh: Là cuộc cách mạng tư sản chưa triệt để vì vẫn còn tàn dư của chế độ phong kiến, vấn đề ruộng đất của nông dân chưa được giải quyết
  • Cách mạng tư sản Pháp: Đây được coi là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất vì:
  • Cách mạng tư sản Pháp bảo vệ được quốc gia trước sự can thiệp của liên minh phong kiến châu Âu, xóa bỏ tình trạng cát cứ, hình thành được thị trường dân tộc thống nhất.
  • Lật đổ được chế dộ phong kiến, giải phóng người nông dân.
  • Giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân
  • Kinh tế tư bản phát triển mạnh sau cách mạng
  • Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: Là cuộc cách mạng tư sản chưa triệt để vì chỉ có giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô được hưởng lợi, không giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân, không xóa bỏ được chế độ nô lệ.
  • Cải cách duy tân ở Nhật: Đây là cuộc cách mạng tư sản chưa triệt để vì chế độ phong kiến vẫn được duy trì, quyền lực tối cao vẫn thuộc về Thiên hoàng, kinh tế tư bản chưa được mở đường để phát triển.

Ý nghĩa của cách mạng tư sản

Cách mạng tư sản bắt đầu từ thế kỷ XVI kéo dài đến thế kỷ XX. Nó đã thiết lập nền dân chủ tư sản và tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, đồng thời có một tiến bộ vượt bậc về phương thức sản xuất, là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong xã hội loài người.

Tuy nhiên, theo nhận định của các học giả chủ nghĩa xã hội khoa học, cách mạng tư sản về bản chất sâu xa vẫn là sự bóc lột, nó chỉ thay thế sự bóc lột của chế độ phong kiến bằng sự bóc lột của chế độ tư bản chủ nghĩa. Bởi vậy, cách mạng tư sản được đánh giá là vẫn còn nhiều hạn chế vì chưa giải quyết triệt để được những vấn đề cơ bản của xã hội là xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

Mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng tư sản:

Mục tiêu chính của các cuộc cách mạng tư sản đó chính là nhằm mục đích có thể giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản giữa quan hệ sản xuất phong kiến với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản tham chiến nhằm mục đích chính để có thể gạt bỏ hoàn toàn mọi cản trở để từ đó tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản được phát triển mạnh mẽ và trở nên vững mạnh.

Bên cạnh đó, cách mạng tư sản diễn ra với mục đích chính đó là để có thể lật đổ được chế độ phong kiến đang cầm quyền, cách mạng tư sản đưa giai cấp tư sản lên làm giai cấp cấm quyền. Từ đó quyền lực của đất nước sẽ chỉ tập trung vào giai cấp tư sản, giai cấp tư sản cũng sẽ đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản.

Đối với vấn đề về nhiệm vụ thì nhìn chung mỗi cuộc cách mạng tư sản khi được diễn ra ở những quốc gia khác nhau thì các cuộc cách mạng tư sản sẽ đều mang trong mình những nhiệm vụ nhất định, những cũng có những đặc điểm riêng và chung, cụ thể chúng ta có thể nhận thấy như:

– Đối với cuộc cách mạng tư sản Hà Lan: Cuộc cách mạng tư sản Hà Lan diễn ra có nhiệm vụ là lật độ ách thống trị của vương triều Tây Ban Nha, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền bên cạnh đó là mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

– Đối với cuộc cách mạng tư sản Anh: Cuộc cách mạng tư sản Anh có nhiệm vụ chính là mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, đem lại quyền lợi cho tầng lớp quý tộc mới và tư sản

– Đối với cuộc cách mạng tư sản Bắc Mỹ: Cuộc cách mạng tư sản Bắc Mỹ có nhiệm vụ chủ chốt là giành độc lập và chuẩn bị cho sự ra đời của Hợp chủng quốc Hoa Kì

– Đối với cuộc cách mạng tư sản Pháp: Cuộc cách mạng tư sản Pháp nhằm lật đổ hoàn toàn chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên nắm quyền và mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên, điển hình trên thế giới

Cách mạng Hà Lan thế kỷ XVI

Cách mạng Hà Lan thế kỷ XVI được xem là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới. Vào đầu thế kỷ XVI, vùng đất Nê-đéc-lan (thuộc hai nước Hà Lan và Bỉ hiện nay) có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhất ở Tây Âu, song sự thống trị của Vương quốc Tây Ban Nha đã ngăn cản sự phát triển này. Nhân dân Nê-đéc-lan nhiều lần nổi dậy chống sự đô hộ của Vương quốc Tây Ban Nha, mạnh mẽ nhất là cuộc đấu tranh tháng 8/1956. Cuộc đấu tranh bị đàn áp dã man. Đến năm 1581, các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-lan thành lập nước Cộng hòa với tên gọi chính thức là Các tỉnh liên hiệp (về sau gọi là Hà Lan). Cuộc chiến tranh còn tiếp diễn, cho đến năm 1648 Hà Lan mới chính thức được công nhận nền độc lập. Hà Lan được giải phóng đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản ở nước này phát triển.

Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII

Trong sự phát triển chung của châu Âu, quan hệ tư bản chủ nghĩa ở Anh lớn mạnh hơn cả và trước hết là ở miền Đông – Nam. Nhiều công trường thủ công như luyện kim, cơ khí, làm đồ sứ, dệt len dạ… ra đời phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuấ khẩu sang Hà Lan, Pháp, Đức, Italia… Nhiều trung tâm lớn về công nghiệp, thương mại, tài chính được hình thành, tiêu biểu là London. Những phát minh mới về kỹ thuật, các hình thức tổ chức lao động hợp lý làm cho năng suất lao động tăng nhanh.

Từ đó, số đông địa chủ là quý tộc vừa và nhỏ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản. Họ đuổi tá điền, rào đất, biến ruộng thành đồng cỏ, thuê nhân công nuôi cừu, lấy lông cừu cung cấp cho thị trường. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới, có thế lực lớn về kinh tế. Nông dân trở nên nghèo khổ, kéo ra thành thị làm thuê hoặc di cư ra nước ngoài.

Sự thay đổi về kinh tế, những mâu thuẫn gay gắt giữa tư sản, quý tộc mới với chế độ quân chủ chuyên chế, đồng thời là những mâu thuẫn cũ giữa nông dân với địa chủ, quý tộc dẫ dẫn tới cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Năm 1640, Quốc hội gồm phần lớn là quý tộc mới đã được triệu tập. Các đại biểu đã tố cáo chính sách cai trị độc đoán của vua Charles I và yêu cầu vua không được tự ý đặt thuế mới, không được bắt người mà không đưa ra tòa án xét xử. Nhân dân ủng hộ Quốc hội, lên án gay gắt nhà vua. Do đó, vua Charles I phải chạy lên phía Bắc London để chuẩn bị lực lượng chống lại Quốc hội và nhân dân.

Tháng 8/1642, cuộc nội chiến nổ ra. Quân đội của Quốc hội do Oliver Cromwell chỉ huy đánh bại quân đội nhà vua. Trước sức ép của quân đội và nhân dân, Cromwell đưa vua ra xét xử. Ngày 30/01/1649, vua Charles I bị xử tử trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng.

Từ đó, nước Anh trở thành nước cộng hòa, mọi quyền hành thuộc về quý tộc mới và tư sản. Nông dân và binh lính không được hưởng một chút quyền lợi nào tự cuộc nội chiến này. Vì vậy, họ tiếp tục nổi dậy đấu tranh. Cromwell thiết lập chế độ độc tài quân sự khiến sự bất mãn của quần chúng ngày càng tăng cao. Vì vậy, quý tộc mới và tư sản khôi phục lại chế độ quân chủ nhưng vẫn giữ những thành quả của cách mạng. Tháng 12/1688, Quốc hội tiến hành một cuộc đảo chính, phế truất vua James II (lên ngôi năm 1685) và đưa Vin-hem Ô-ran-giơ (Quốc trưởng Hà Lan, con rể James II) lên làm vua. Chế độ quân chủ lập hiến ra đời. Nhà vua không nắm thực quyền, mọi quyền lực quốc gia thuộc về tư sản và quý tộc mới.

Cuộc Cách mạng tư sản Anh thành công chủ yếu vì được quần chúng ủng hộ và tham gia đấu tranh. Cuộc cách mạng này mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ hơn, đem lại thắng lợi cho giai cấp tư sản và quý tộc mới. Nhưng quyền lợi của nhân dân lao động lại không được đáp ứng.

Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ

Sau khi Colombo tìm ra châu Mĩ, nhiều nước châu Âu lần lượt chiếm và chia nhau châu lục mới này làm thuộc địa. Từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, thực dân Anh đã thành lập 13 nước thuộc địa của mình ở Bắc Mĩ và nền kinh tế ở 13 thuộc địa này sớm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thực dân Anh tìm mọi cách ngăn cản sự phát riển công, thương nghiệp của các thuộc địa ở Bắc Mĩ (cướp đoạt tài nguyên, thuế má nặng nề, độc quyền buôn bán trong và ngoài nước). Cư dân ở các thuộc địa Bắc Mĩ, gồm phần lớn là con cháu người Anh di cư sang, mâu thuẫn gay gắt với chính quốc. Các tầng lớp nhân dân thuộc địa, bao gồm tư sản, chủ đồn điền, công nhân, nô lệ đều đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Anh.

Tháng 12/1773, nhân dân cảng Boston tấn công ba tàu chở chè cả Anh và ném các thùng chè xuống biển để phản đối chế độ thuế của thực dân Anh ở các thuộc địa Bắc Mĩ. Từ ngày 5/9/1774 đến ngày 26/10/1774, đại biểu các thuộc địa Bắc Mĩ đã họp Hội nghị lục địa ở Philadelphia, đòi vua Anh xóa bỏ các luật cấm vô lý nhưng nhà vua không chấp nhận. Đến tháng 4/1775, chiến tranh bùng nổ giữa chính quốc và các thuộc địa Bắc Mĩ. Nghĩa quân do George Washington chỉ huy.

Ngày 4/7/1776, Tuyên ngôn Độc lập được công bố, xác định quyền con người và quyền độc lập của các thuộc địa. Mặc dù vậy, chiến tranh vẫn tiếp diễn, quân khởi nghĩa đã thất bại ở một số nơi. Tuy nhiên, nghĩa quân vẫn giữ được lực lượng và cuối cùng đã đánh thắng các đợt tấn công lớn của quân Anh. Ngày 17/10/1777, quân khởi nghĩa thắng một trận lớn ở Saratoga. 5000 quân Anh bị bắt làm tù binh, viên tướng chỉ huy đầu hàng. Tiếp đó, nghĩa quân thắng nhiều trận khác, buộc Anh phải ký Hiệp ước Versailles năm 1783.

Theo Hiệp ước Versailles năm 1783, Anh thừa nhận nền độc lập của các thuộc địa Bắc Mĩ. Chiến tranh kết thúc thắng lợi với sự ra đời của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (hay còn gọi là Mỹ hay Hoa Kỳ). Đến năm 1787, Hiến pháp Mỹ được ban hành. Theo Hiến pháp, Mỹ là nước cộng hòa liên bang. Chính quyền trung ương được tăng cường, nhưng các bang được quyền tự trị rộng rãi. Quyền dân chủ lúc này ở Mỹ vẫn còn bị hạn chế khi mà chỉ những người da trắng có tài sản, đóng thuế theo quy định mới có quyền ứng cứ và bầu cử; phụ nữ không có quyền bầu cử; những người nô lệ da đen và người In-đi-an không có quyền chính trị.

Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ đã giải phóng nhân dân Bắc Mĩ khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Do đó, cuộc chiến tranh giành độc lập này đồng thời cũng là một cuộc cách mạng tư sản, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào đấu tranh giành độc lập của nhiều nước vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX.

Trên đây là bài viết của Trang Tài Liệu về Cách mạng tư sản là gì? Các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên, điển hình? Hy vọng những nội dung trên đã đem đến cho bạn nhiều thông tin và khái niệm bổ ích.