Docly

Nghị luận xã hội là gì? Các dạng văn nghị luận xã hội? Cho ví dụ?

Nghị luận xã hội là gì? Cùng Trang tài liệu tìm hiểu về cách triển khai và phân tích một bài văn nghị luận hay và hấp dẫn nhất.

Nghị luận xã hội là gì?

Khái niệm: Văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó phạm vi của dạng bài này rất rộng. Nó bao gồm những vấn đề tư tưởng, đạo lí cho đến lối sống, bên cạnh đó một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập tới những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày.

Hiểu đơn giản, văn nghị luận xã hội là dạng văn yêu cầu viết về vấn đề xã hội. Nó khác với nghị luận văn học ở chỗ, không viết về tác phẩm, nhà văn. Để viết văn nghị luận tốt, học sinh cần rèn luyện 2 kỹ năng: chứng kinh và giải thích.

Các dạng đề nghị luận xã hội thường gặp

Nghị luận về một hiện tượng đời sống

  • Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ ( tiếp sức mùa thi, hiến máu, nhân đạo,..)
  • Hiện tượng có tác động tiêu cực ( bạo lực học đường, tai nạn giao thông…)
  • Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí ( hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên bái,… rút ra vấn đề nghị luận)

Nghị luận về một tư tưởng đạo lý

  • Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức ( lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí, nghị lực…)
  • Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, đối trá..)
  • Nghị luận về hai mặt tốt xấu của một vấn đề.

Bố cục bài văn nghị luận

Bố cục của bài văn nghị luận tương tự như một bài văn thông thường, có mở bài, thân bài và kết bài.

+ Mở bài: giới thiệu đối tượng hoặc vấn đề trọng tâm cần làm sáng tỏ

+ Thân bài: triển khai, cụ thể hóa đối tượng và vấn đề trọng tâm đã nêu ở mở bài bằng hệ thống ý được sắp xếp một cách hợp lý

+ Kết bài: chốt lại vấn đề, nêu suy nghĩ, bài học cho bản thân.

Tùy vào vấn đề, đối tượng cần thuyết phục và cách lập luận mà người viết có thể sắp xếp theo những dàn ý khác nhau. Việc sắp xếp cần linh hoạt nhưng cũng cần phải tuân thủ một số quy tắc nhất định:

+ Các ý lớn phải ngang nhau và cùng làm sáng tỏ cho vấn đề trọng tâm.

+ Các ý nhỏ nằm trong ý lớn và làm sáng tỏ cho ý lớn, cần trình bày theo một thứ tự tránh trùng lặp ý.

+ Cần xác định mức độ các ý cho hợp lý. Trong một bài văn, các ý không phải bao giờ cũng đồng đều và được trình bày ngang nhau, có ý cần nêu kỹ, có ý chỉ nói qua, nói vừa đủ.

Nội dung và cấu trúc của một bài nghị luận được hình thành từ các yếu tố cơ bản là: vấn đề nghị luận (luận đề), luận điểm, luận cứ và lập luận

– Luận đề trong bài văn nghị luận là vấn đề bao trùm cần được làm sáng tỏ, cần được đem ra để bàn luận, để bảo vệ, để chứng minh trong toàn bộ bài viết. Chính vì thế trong nhiều bài nghị luận, luận đề được thể hiện ngay ở nhan đề của bài viết. Chẳng hạn: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh), Sự giàu đẹp của tiếng Việt (Đặng Thai Mai)…

– Luận điểm là “những ý kiến, quan điểm chính được nêu ra ở trong bài văn nghị luận. Luận điểm thường được thể hiện bằng một phán đoán mang ý nghĩa khẳng định những tính chất, thuộc tính của vấn đề, những khía cạnh nội dung được triển khai để làm sáng tỏ cho luận đề”. Các luận điểm trong bài nghị luận được sắp xếp, trình bày theo một hệ thống hợp lý, đầy đủ và được triển khai bằng những lý lẽ, dẫn chứng hợp lý để làm sáng tỏ vấn đề mà luận điểm đặt ra.

– Luận cứ là những dẫn chứng (chứng cứ) cụ thể.

– Luận chứng (hay lập luận) là “sự tổ chức các luận điểm và luận cứ, các lý lẽ và dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ vấn đề, để người đọc hiểu, tin, đồng tình với điều mà người viết đặt ra và giải quyết”.

Cách triển khai một bài văn nghị luận xã hội

Nhìn chung, quá trình tạo lập văn bản bao gồm bốn giai đoạn tiếp nối nhau: định hướng, lập chương trình biểu đạt (lập dàn ý), tạo văn bản và kiểm tra, sửa chữa văn bản (bản thảo). Quy trình này được tiến hành khi người viết được yêu cầu với đề văn nghị luận cho sẵn trong nhà trường.

– Ðịnh hướng: là giai đoạn người viết xem xét, phân tích đề văn, trên cơ sở đó xác định chủ đề của bài viết, loại văn bản và hướng sưu tập tư liệu cũng như phạm vi giới hạn của tư liệu sẽ sử dụng. Trong giai đoạn này, người viết cần tiến hành cụ thể các thao tác: xem xét, phân tích đề văn cho sẵn để xác định một cách cụ thể chủ đề có liên quan; xác định loại hình văn bản. Ở bước này, người viết phải xác định rõ văn bản sẽ viết thuộc loại gì, phong cách nào; xác định hướng sưu tập tư liệu và giới hạn của phạm vi tư liệu. Tư liệu có thể sưu tập theo nhiều nguồn: báo chí, sách vở, các phương tiện phát thanh, truyền hình hay thực tế mà người viết trải nghiệm.

– Lập chương trình biểu đạt: là giai đoạn người viết động não để triển khai, cụ thể hoá chủ đề thành các mặt chủ đề bộ phận thuộc nhiều cấp độ, kết hợp với việc tập hợp tư liệu cần thiết, trên cơ sở chọn lựa, sắp xếp lại thành dàn ý của bài viết với hệ thống các ý lớn, ý nhỏ cụ thể. Ở giai đoạn này, người viết cần thực hiện cụ thể các thao tác: Ðộng não để triển khai chủ đề toàn thể từng bước thành các chủ đề bộ phận; Chọn lựa, sắp xếp các chủ đề bộ phận và tư liệu có liên quan thành dàn ý cụ thể. Ở giai đoạn này cần lưu ý chọn lựa và sắp xếp các chủ đề bộ phận và tư liệu có liên quan theo một trật tự thích hợp, các ý lớn và ý nhỏ phải đảm bảo tính hệ thống và tính nhất quán.

– Tạo văn bản: là giai đoạn người viết vận dụng kiến thức về từ, câu, đoạn để lần lượt hiện thực hoá dàn ý thành văn bản (đây được xem là bản thảo). Ở giai đoạn này, người viết vận dụng tri thức về đoạn văn để lần lượt diễn đạt hệ thống các ý thành các phần, các đoạn văn cụ thể.

– Kiểm tra sửa chữa bản thảo: là giai đoạn người viết đọc lại bản thảo, phát hiện lỗi sai và sửa chữa để bài viết hoàn chỉnh hơn. Ở giai đoạn này, người viết vừa đọc lại, vừa suy ngẫm xem xét, xác định lỗi sai và sửa chữa. Cụ thể là phát hiện và sửa chữa các loại lỗi như: lỗi về kiến thức, lỗi chính tả, lỗi từ ngữ, lỗi ngữ pháp và lỗi liên kết văn bản