Docly

Cách làm bài văn nghị luận xã hội đầy đủ chi tiết nhất

Văn nghị luận là gì? Cách làm bài văn nghị luận xã hội sao cho hay và đúng trọng tâm không bị lạc đề thì không phải thí sinh nào cũng nắm rõ. Trong bài viết này Trang tài liệu xin chia sẻ các bước làm văn nghị luận chuẩn nhất, mời các bạn cùng tham khảo.

Văn nghị luận là gì?

Khái niệm: văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó, đề bài của dạng văn này rất rộng. Cụ thể, nó bao gồm cả những vấn đề tư tưởng, đạo lý cho đến lối sống. Ngoài ra, một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày. Hoặc có thể yêu cầu viết về vấn đề thiên nhiên, vấn đề toàn quốc, toàn cầu…

Các dạng đề nghị luận xã hội thường gặp

1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống

– Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo…).

– Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông…).

– Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo… Rút ra vấn đề nghị luận).

2. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý

– Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…).

– Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…).

– Nghị luận về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề.

– Vấn đề có tính chất đối thoại, bàn luận, trao đổi.

– Vấn đề đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.

Nguyên tắc viết bài văn nghị luận xã hội rõ ràng, thuyết phục

Nguyên tắc 1: Hiểu thật rõ những gì mình viết

“Nếu bạn không thể giải thích cho đứa trẻ sáu tuổi hiểu được, thì chính bạn cũng không hiểu gì cả” – nhà bác học lừng lẫy thế giới Albert Einstein đã nói như vậy. Einstein rõ ràng không muốn chúng ta biến mọi đứa trẻ sáu tuổi thành bác học, mà ý ông nói rằng nếu ta thực sự nắm bản chất vấn đề, ta sẽ có được cách diễn giải rõ ràng và dễ hiểu.

Để thuyết phục người khác, bạn phải hiểu rõ ngọn ngành vấn đề mà mình trình bày. Để làm được điều này, bạn phải quản lý tri thức theo hai cấp độ: cấp độ tổng thể và cấp độ chi tiết.

  • Ở cấp độ tổng thể, bạn cần nắm vững sự tương quan giữa các đơn vị kiến thức liên quan đến vấn đề mà mình trình bày. Hai mối liên hệ bạn phải nắm: Mối liên hệ theo chiều dọc và mối liên hệ theo chiều ngang.
  • Mối liên hệ chiều dọc là mối liên hệ giữa các kiến thức được sắp xếp theo chiều hướng tăng tiến. Có thể đó là sự tăng tiến về thời gian, về độ khó, sự tăng tiến trong mối quan hệ nhân quả…
  • Mối liên hệ chiều  ngang là mối liên hệ giữa các kiến thức được sắp xếp đồng đẳng. Ví dụ như các tác phẩm văn học của cùng một tác giả, cùng một thể loại, cùng một trào lưu khuynh hướng…

1: Mối quan hệ chiều ngang, chiều dọc trong một vấn đề văn học sử

2 Mối quan hệ chiều ngang và chiều dọc của hệ thống chủ đề trong một tác phẩm

Trên cơ sở nắm được mối liên hệ giữa các đơn vị lý thuyết, bạn mới có thể dễ dàng vận dụng thao tác so sánh, phân tích để làm sáng tỏ vấn đề. Phân tầng tri thức theo nhiều cấp độ sẽ giúp bạn lựa chọn được điều gì cần phải nói, và chọn được cách nói dễ hiểu nhất đối với những đối tượng người đọc khác nhau. Hãy nhớ điều này: Chỉ biết thôi thì chưa phải là hiểu, nắm vững mối liên hệ mới thực sự là hiểu.

Ở cấp độ chi tiết, bạn cần phải nắm được những điểm quan trọng nhất, những điểm ấn tượng nhất trong vấn đề mà bạn đang trình bày. Một số câu hỏi có thể đặt ra:

  • Chi tiết nào (trong tác phẩm văn học, trong dẫn chứng đời sống…) thể hiện rõ nét nhất, đầy đủ nhất vấn đề mà tôi đang trình bày?
  • Đâu là điểm ấn tượng nhất với tôi?
  • Điều gì tác động mạnh nhất vào cảm xúc của tôi?
  • Điều gì đã tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức trong tôi?…

Những chi tiết này sẽ là điểm sáng trong bài viết, nó là căn cứ để bạn khơi sâu vấn đề mình đang trình bày và tạo sự thuyết phục trong bài viết.

Hãy tập thói quen sử dụng sơ đồ để hệ thống hóa lại những đơn vị kiến thức cần nắm. Đồng thời, khi tìm hiểu tri thức, nên có thói quen ghi chép lại những điểm ấn tượng nhất, quan trọng nhất, trọng tâm nhất.

Nguyên tắc 2: Quản lý bố cục bài viết

Bố cục của bài văn nghị luận bao giờ cũng là một hệ thống các ý được sắp xếp theo tầng bậc rõ ràng và liên kết chặt chẽ giữa các phần

3-Bố cục các ý trong một bài văn nghị luận

Qua sơ đồ trên, ta thấy: Bài văn nghị luận không có nội dung thừa. Mọi lí lẽ, dẫn chứng đều nhằm mục đích làm sáng tỏ luận điểm. Mọi luận điểm đều nhằm mục đích làm sáng tỏ luận đề. Đây là điều bạn phải luôn luôn nhớ như in trong đầu mình khi triển khai vấn đề nghị luận. Hãy luôn tự hỏi mình: Tôi viết vấn đề này để làm gì? Những điều tôi đang viết phục vụ như thế nào đến việc làm sáng tỏ luận đề?

Sáng tỏ và thuyết phục – hai thần chú này luôn phải được niệm đi niệm lại.

Như vậy, tất cả các phần tạo ấn tượng cho bài viết chỉ thực sự có giá trị khi đặt trong tổng thể này. Trước bạn phải đặt những gì mình viết vào tổng thể bài viết và đảm bảo rằng nó thuyết phục, dễ hiểu. Sau đó mới sử dụng các tuyệt chiêu gây ấn tượng để chúng cuốn hút hơn.

Nguyên tắc 3: Bám sát luận đề

Trong bài văn nghị luận, luận đề chính là dòng sông lớn mà tất cả lí lẽ, dẫn chứng, cách hành văn đều là những dòng suối nhỏ đổ về đó. Mục đích cuối cùng là chảy ra biển lớn – tâm trí bạn đọc nhằm thuyết phục họ.

Như vậy, bạn có thể dễ dàng hình dung rằng: Tất cả mọi yếu tố trong bài văn nghị luận đều hướng về làm sáng tỏ luận đề. Như vậy, luận đề luôn cần phải được nhắc đi nhắc lại trong bài nghị luận của bạn.

4-Tất cả các yếu tố trong bài nghị luận đều hướng về luận đề

Mục đích cuối cùng của bài văn nghị luận là làm sáng tỏ luận đề, là nhằm mục đích thuyết phục người đọc về luận đề bạn đang trình bày. Như vậy, trong suốt bài viết của mình, bạn phải liên tục tự nhắc mình về luận đề, cũng là mục đích viết, và phải nhắc độc giả về luận đề, tức là mục đích họ đọc.

Bạn có thể nhắc lại luận đề trong bài văn nghị luận của mình bằng cách:

  • Sử dụng từ khóa của luận đề. Với các đề văn nghị luận, luận đề thường được khái quát trong những từ khóa quan trọng của đề bài. Việc đặt câu sử dụng các từ khóa gắn với luận đề sẽ là dấu chỉ để bạn biết chắc rằng mình không lạc hướng.
  • Sử dụng cấu trúc đoạn tổng phân hợp. Bạn mở đầu đoạn nghị luận bằng một câu chủ đề nhắc người đọc về luận đề sắp triển khai. Sau khi triển khai xong các lí lẽ, dẫn chứng, bạn quay trở lại chỉ rõ luận đề đã được làm sáng rõ như thế nào từ những điều mình vừa viết. Cách viết này sẽ giúp cho luận đề trở nên sáng rõ, giúp người đọc dễ theo dõi mạch lập luận của bạn.

Chú ý, việc nhắc lại vấn đề nghị luận không phải là cứ sao chép vô tội vạ từ khóa đề bài, cũng không phải cứ trích một cách máy móc nhận định trích trong đề bài. Quan trọng là phải chỉ ra được luận đề đã được triển khai như thế nào, được làm sáng tỏ như thế nào.

Nguyên tắc 4: Lập luận cần đủ tiền đề và kết luận

Tác giả Athony Weston, trong cuốn sách “A Rulebook for Argument” (Các thủ thuật để thành công trong tranh luận, bộ sách “Viết gì cũng đúng”, Alphabooks phát hành) đã đưa ra định nghĩa về tiền đề và kết luận như sau:

“Hãy nhớ rằng kết luận là lời phát biểu mà bạn phải đưa ra lý lẽ để chứng minh. Những lý lẽ mà bạn đưa ra dưới hình thức phát biểu gọi là tiền đề”

Cách làm bài văn nghị luận xã hội

Trước hết hãy cắt nghĩa các từ khóa, từ then chốt theo ý hiểu của bạn. Giải thích ý nghĩa của câu nói đó.

Khẳng định câu nói đó là đúng, sai hay chưa hoàn toàn đúng. Phân tích câu nói, thường dùng lời lẽ và lật lại vấn đề.

Lấy ví dụ, phân tích ví dụ để chứng minh ý nghĩa của câu nói (ví dụ về một ai đó nổi tiếng, có những đóng góp lớn).

Liên hệ với bản thân bạn.

Rút ra bài học cho bản thân và mọi người. Phê phán những người đi ngược lại với chân lý của tư tưởng đạo đức đó.

Nghị luận về tư tưởng đạo lí tốt:

Mở bài: nêu lên tư tưởng đạo lí tốt và khẳng định lại tính đúng của vấn đề

Thân bài: nêu lại vấn đề và giải thích

Chứng minh tính đúng đắn của vấn đề: nêu ra các luận chứng, luận cứ để chứng minh cho tính đúng đó.

Đưa ra những dẫn chứng , ví dụ cụ thể để làm rõ dẫn chứng đó.

Phê phán nêu ra những ý kiến trái lại với những tư tưởng trên, sau đó đưa ra những lời khuyên

Kết bài: khẳng định lại tính đúng của vấn đề, đánh giá nêu ra bài học.

Nghị luận về tư tưởng đạo lí xấu:

Mở bài: nêu lên tư tưởng đạo lí xấu và phản bác lại vấn đề

Thân bài: nêu lại vấn đề

Phân tích những mặt xấu những mặt ảnh hưởng của tư tưởng

Nêu ra những dẫn chứng để chứng minh tư tưởng là sai

Lên án phê phán những người ủng hộ tư tưởng này

Kết bài: Khẳng định lại sự sai trái của vấn đề, nêu ra những ý kiến đánh giá.