Docly

Thơ tự do là gì, Cách nhận biết, phân loại và tác dụng

Thơ tự do là gì? Đặc điểm của thơ tự do là gì? Hãy cùng Trang Tài Liệu tìm hiểu về thơ tự do trong bài viết dưới đây nhất định sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

Thơ tự do là gì?

– Thơ tự do (Tiếng Pháp: vers libre) là hình thức cơ bản của thơ, phân biệt với thơ cách luật ở chỗ không bị ràng buộc vào các quy tắc nhất định về số câu, số chữ, niêm đối,…

– Nhưng thơ tự do lại khác thơ văn xuôi ở chỗ văn bản có phân dòng và xếp song song thành hàng, thành khổ như những đơn vị nhịp điệu, có thể có vần.

– Thơ tự do là thơ phân dòng nhưng không có thể thức nhất định và không quy định số lượng từ trong một câu, cũng như không cần có vần liên tục.

Đặc điểm của thơ tự do

Về mặt hình thức

  • Số chữ trong mỗi câu không hạn định: ít nhất một từ, nhiều có thể trên 10 từ. 
  • Số câu không hạn định, cũng không chia ra thành khổ 4 câu như cũ 
  • Không có luật lệ cố định nào về niêm, luật, đối, vần.

Về mặt nội dung

Thể thơ tự do thường có nhiều âm thanh, hình tượng, màu sắc đa dạng, phong phú, biểu thị bởi những cách dùng từ khá mới lạ, mang tính cách tân, không chứa hình ảnh cũ kỹ, sáo mòn kiểu như: hồ thu, trăng vàng, giọt sầu,…. 

Thậm chí những vật thể bình thường hay tầm thường, những sinh vật bé bỏng, li ti, gớm ghiếc,… cũng được dùng để miêu tả thường xuyên.

Bên cạnh đó, thể thơ tự do còn có những khái niệm trừu tượng, siêu thực, phi vật thể, hoang tưởng, đôi khi quái dị, đan xen nhay thay thế cho những hình tượng cụ thể quen thuộc cũ. 

Lời kết của những bài thơ tự do đôi khi được bỏ ngỏ, không tròn trịa, không có đầu có đuôi như thơ cũ. Vì thế, người đọc muốn suy luận như thế nào cũng được.

Ý thơ đa dạng, không gò gẫm trong bất cứ khuôn khổ hay cách phối cố định nào. Đa phần thơ tự do thường đề cập đến các vấn đề cốt lõi của nhân sinh, của kiếp người, cũng như trăn trở đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi muôn thuở là ai? Đến đâu? Đi về đâu? Sống để làm gì? Cư xử như thế nào trên cuộc đời?,… Những chủ đề cao siêu đôi khi lại có cách thể hiện lại khác thường, vì thế Thơ Tự Do thường được hiểu một cách sai lầm như một loại thơ rối rắm, tối nghĩa, khó cảm thị, nhận thức và khó đọc, khó nhớ, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

tho-tu-do-la-gi

Tác dụng của thể thơ tự do

Thơ tự do sử dụng các biện pháp nghệ thuật như: nhân hoá, trùng điệp, liệt kê, lặp từ,… qua các khổ thơ mà không cần phải tuân theo bất kỳ quy tắc nghiêm ngặt nào về nhịp điệu, cách gieo vần, số câu, số chữ,… như thơ truyền thống vì thế mang lại nhiều tác dụng như:

  • Giúp tác giả có thể thỏa sức sáng tác theo mạch cảm xúc của mình. Đảm bảo mạch cảm xúc tuôn trào, triền miên, mạnh mẽ. 
  • Thể thơ này giúp tác giả mang tới  một nhân vật có linh hồn thực sự, giàu biểu cảm, mang tới cách nói gần gũi, thiêng liêng, sâu xa.
  • Thể thơ tự do không làm cho bài thơ bị ép buộc, gò bó bởi bất cứ thể thơ nào;
  • Giúp cho tác giả có thể dễ dàng thể hiện được mạch cảm xúc của mình hơn.
  • Giúp cho việc bộc lộ cảm xúc, chủ đề dẫn dắt ý tưởng được tự nhiên, có tầm khái quát, nhưng vẫn thấm thía, xâu xa. 

Nguyên tắc gieo vần

– Thể thơ tự do không hạn định về số chữ và cũng không tuân theo quy luật bằng trắc. Có thể đặt câu ngắn 2 – 3 chữ, hoặc có thể có câu dài 9 – 10 chữ. Số lượng câu không hạn chế. Nhưng có thể vẫn sử dụng theo vần luật như sau:

Vần liền

Ví dụ:

“Nào đâu những đếm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng ánh trăng tan,

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới,

Đâu những cảnh bình minh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng,

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng,

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới.”

Nhớ rừng – Thế Lữ

Vần tréo

Ví dụ:

“Hạnh phúc rất đơn sơ.

Nhịp đời đi chậm rãi,

Mái nhà in bóng trưa,

Ong hút chùm hoa cải.”

Hối hận – Huy Cận

Vần ôm

Ví dụ:

“Em nghe mùa thu,

Dưới trăng mờ thổn thức,

Em không nghe rạo rực,

Hình ảnh kẻ chinh phu.”

Tiếng thu – Lưu Trọng Lư

Vần hỗn tạp

– Xuất hiện ở thơ tự do. Tham tụng tất cả các lối vần trong một bài, không theo định lệ nào cả.

“Tiếng địch thổi đâu đây.

Cớ sao mà réo rắt?

Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt.

Mây bay, gió quyến, mây bay…

Tiếng vi vu như khuyên van như dìu dặt

Ánh chiều thu

Lướt mặt hồ thu.

Sương hồng lam nhẹ tan trên sóng biếc.

Rặng lau già xao xác tiếng reo khô,

Như khuấy động nỗi nhớ nhưng thương tiếc.

Trong lòng người đứng bên hồ.”

Yêu cầu của thể thơ tự do

Phải tinh gọn

  • Không được thừa những gì dư thừa, tuyệt đối tránh những từ thì, và, là, mà, cũng, vẫn, thế, nhưng, vì, thì, dù, dẫu,…
  • Không được trùng lặp cả về từ lẫn ý
  • Không sử dụng những từ “lạc lõng” trong một tổng thể thống nhất

Phải phong phú

  • Không được thiếu những thứ không thể thiếu như hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ẩn dụ,…
  • Phải phối trí hài hòa trong bố cục linh động không định trước
  • Những hình ảnh, âm thanh, màu sắc đó phải là biểu tượng cho một khái niệm trừu tượng, vô hình, siêu thực

Tiết tấu phù hợp với bài thơ, ý thơ

  • Tiết tấu nhanh hay chậm, thôi thúc hoặc thư thả. Mỗi tiết tấu đòi hỏi thủ pháp nghệ thuật riêng.
  • Tiết tấu liền lạc, du dương: Mặc dù không có quy tắc cố định về vần nhưng tính chất của một bài thơ vẫn đòi hỏi phải có tiết tấu liền mạch, du dương. Nghĩa là các câu vẫn phải ăn vần với nhau.
  • Tiết tấu bổng trầm: Để câu thơ không khó đọc, dù không tuân theo quy luật nào thì vẫn cần phải âm thầm chấp nhận quy tắc dạng sóng tức hình sin, nói theo kiểu cũ là luật “Nhị Tứ Lục đảo thanh phân minh”. Nghĩa là cứ hai vẫn Trắc thì chữ thứ 4 vần bằng, chữ thứ 6 vần Trắc và ngược lại.

Các Bài Thơ Tự Do Hay Nhất

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Tác giả: Tố Hữu

Tin về nửa đêm
Hoả tốc hoả tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa…

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!

Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!

Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hoà vui chung.

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.

Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống!
Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng:
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

Lũ chúng nó phải hàng, phải chết,
Quyết trận này quét sạch Điện Biên!
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!
Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
Chúng bay chỉ một đường ra:
Một là tử địa, hai là tù binh.
Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
Trông: Bốn mặt, luỹ hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!

Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo…
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông.

Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành.
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít
Anh sẽ nói: “Thực dân, phát-xít
Đã tàn rồi!
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hoà bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh.
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa.
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!”

Đất nước
Tác giả: Nguyễn Đình Thi

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da…

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Trích Đất nước
Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Những em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hành phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng co Tấm cũng làm về hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!….

Khúc ca Phạm Thái
Tác giả: Nguyễn Đình Toàn

Ta, tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm
Ta, anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như?

Chí nhỏ lòng kiêu, đổ thừa vận rủi
Tài sơ sức mỏi, trách vấy thời cơ

Lòng chua cay, uống mãi rượu giang hồ
Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng
Hồn đau thương, những đêm trường bốc cháy
Ngựa ngông cuồng khua gót nhớ quan san
Trời mưa buồn hay lệ nhỏ nhân gian
Men ứa lạnh trên đầu tay giá buốt

Chợp năm canh gà chừ, tóc hồ điểm bạc
Thù nhà chưa trả chừ, nợ nước vai mang
Thẹn mặt làm ngơ chừ, tủi thân hồ hải
Gục đầu lên gươm chừ, máu đỏ chứa chan

Ta là sao tinh đẩu
Cao vút trời cô đơn

Sáng không đủ soi đường cho người chừ, đêm chưa đành tắt
Một mình ta với lòng ta chừ, bão táp khôn nguôi
Biển động bốn phương chừ, sóng đau gào thét
Giấc mơ thù hận chừ, máu đỏ tay người

Cơn say dở khóc dở cười
Thành nghiêng núi lở đất trời là đâu
Chuông run đã lọt tinh cầu
Em ơi, thức dậy, nghe sầu vào thơ

Ta yêu nàng ư ?
Ta giết nàng ư
Ta thương nàng ư ?
Ta khóc rồi ư ?

Tóc nàng thơm chừ hồn ta ngây ngất
Mắt nàng là đèn hoa soi đêm tối hồn ta
Gót hương trầm dáng kiêu thơm dịu ngọt
Xiêm y nồng nàn ngón nhỏ búp tiên nga
Nàng là thơ, ta là rượu mê hoa
Trời nâng giấc, ban ân đầy xuân mới

Ta nhớ nàng điên cuồng lên tiếng gọi
Quỳnh Như ơi !
Quỳnh Như ơi !
Ai đội mồ nàng lên ?

Thơ nàng buồn thành những chiếc gai êm
Mọc lên giữa linh hồn ta sầu tủi
Mây ngũ sắc kết nên lầu ngóng đợi
Sao Ngân Hà mở hội đón em đi
Thuyền trăng đây, ta xin chở em về
Trong lưng chén long lanh chừ, đau lạnh môi tê
Ta ôm nàng trong đôi tay sưng húp
Ta cắn xiêm nàng, vỡ nát chén si mê

Quỳnh Như ơi !
Quỳnh Như ơi !
Hồn ta đây, mời em về ngự trị
Rồi thơ thần, ta giáng bút cho nhau
Rồi trải thơ làm gấm nệm tân hôn
Ta sẽ cưới nhau dưới muôn nghìn tinh tú

Xin đừng bạn bè
Xin đừng chí cả
Ta sắp gặp nàng
Ta sắp gặp nàng đây

Gió đã mách nàng đang về trên đài kiêu khai nụ
Ta nghe bước chân nàng vừa thoắt nở thành hoa
Rượu còn đầy vò, trăng còn sáng trên thơ
Xin đừng để ngai hồn ta trống vắng
Nào Tiêu Sơn, chuông chùa sao nín lặng
Hãy chiêu hồn cho đội mộ nàng lên

Nàng chết rồi ư ?
Ta khóc rồi ư ?

Em ơi, tám hướng sông hồ
Mười năm ngang dọc bây giờ là đây
Sự đời chừ đã trắng tay
Ngủ vùi một giấc cho đầy gối tham

Ta say hay ta tỉnh ?
Nàng buồn hay nàng vui ?
Ngọc châu pha vỡ tiếng cười
Lược gương xin chải ngậm ngùi cho nhau

Môi nàng là mật đắng
Tóc nàng là bão đau
Mắt nàng thành mộ tối
Hồn ta là đêm sâu

Áo bào hiên ngang hề, bụi đường mốc thếch
Chuông kinh cầu nguyện hề, lời đầy tên nàng
Trời rộng thênh thang hề, chim thiêng rã cánh
Canh khuya mòn mỏi hề, đối bóng sầu tương
Tinh đẩu lu mờ hề, thơ run hồn thép
Ngựa ghê đá sắc hề, xa lắc biên cương
Rát mặt anh hùng hề, nàng là gió mát
Xin tạ tình nàng hề, lệ đau một hàng

Heo may đã nổi đá vàng
Buồn xưa chừng cũng động ngàn bay xa
Mộ nàng bao cỏ úa
Lòng ta bấy xót xa
Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự
Ta thương nàng hay ta thương ta ?

Nhà tôi
Tác giả: Yên Thao

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau gầy như ướt đẫm hơi sương
Màu trắng vôi lờm lợp mấy khung tường
Nếp đình xưa người có mơ gì không ?

Tôi là anh giải phóng
Rời quê hương từ độ máu khơi dòng
Buông tay gầu mơ lại thuở bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai chua xót chút màu xưa

Ðêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh ánh sao thưa
Tôi có người vợ trẻ, đẹp như thơ
Tuổi mới đôi mươì, cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín

Ai bước đi mà không từng bịn rịn
Rời quê hương nào có mấy ai vui?
Em lặng buồn nhìn tôi, giây phút chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ

Tôi còn người mẹ
Tóc ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Vai gầy gánh nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon

Ôi xa rồi! Mẹ tôi
Lệ nhòa đôi mắt trông con phương trời
Cơ chừng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe dồn tiếng súng nhớ lời phân ly!
Mẹ ơi! Con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui

Ðêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh ánh sao thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi bên kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không em hỡi mẹ tôi già?
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa!

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Ống quần nâu đã bạc bụi viễn phương
Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch

Này anh đồng đội
Người bạn pháo binh
Ðã đến giờ chưa nhỉ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành

Anh rót cho khéo nhé!
Kẻo nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn đồi
Có giàn thiên lý có người tôi thương

Tình nghèo
Tác giả: Hồ Hán Sơn

Nhớ thuở
Anh cày thuê
Em chăn trâu
Bóng mát dưới cầu
Quen nhau
Một cỗ trầu cau
Nên đôi chồng vợ
Túp lều tre nứa
Dựng cuối vườn làng
Hai mùa lúa chín, ngô vàng
Chày tre cối đất nhịp nhàng mà vui !

Thế rồi !
Mõ giục từng hồi
Giặc tràn mấy xứ
Lúa khoai màu mỡ
Ai không tiếc ruộng tiếc đồng
Đường quê thiên hạ tiễn chồng
Em đưa anh ra lính
Giặc vào anh đánh
Giặc tan anh về
Làm sao đuổi hết giặc đi
Để cho cối đất chày tre nhịp nhàng

Bao giờ
Giặc chết trên ngàn
Giặc tan ngoài bể
Nhớ lời em nhé !
Về chốn đồng quê
Dù không may
Anh cứ về
Ai cười người đuổi giặc
Ai ghét kẻ thương binh
Còn làng, còn nước, còn anh
Còn đồng, còn ruộng, còn tình lứa đôi

Em vui
Nước nhà độc lập
Đường quê tấp nập
Trai tráng về làng
Hai mùa lúa chín ngô vàng
Chày tre cối đất nhịp nhàng hơn xưa

Mong rằng những chia sẽ trên sẽ giúp cho bạn một phần nào đó trong việc học tập của mình. Xin chân thành cảm ơn bạn khi đã xem hết bài viết này. Để có thể xem thêm nhiều bài viết, khái niệm thú vị hơn nữa hãy truy cập vào website Trangtailieu.com.