Docly

Phương pháp quan sát là gì, Ứng dụng trong nghiên cứu khoa học

Phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học là một trong những phương pháp thu thập thông tin định tính thường được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau. Vậy, khái niệm phương pháp quan sát là gì? với phương pháp nghiên cứu này, người thực hiện sẽ thu thập thông tin một cách trực quan. 

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những ưu nhược điểm riêng, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Trang Tài Liệu để có thể lựa chọn và vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp và có hiệu quả.

Phương pháp quan sát là gì?

Phương pháp quan sát là một phương pháp nghiên cứu định tính. Phương pháp này được thực hiện bằng cách quan sát có mục đích, có kế hoạch trong các hoàn cảnh tự nhiên khác nhau nhằm thu thập dữ liệu đặc trưng cho quá trình diễn biến của sự vật, hiện tượng đó. Trong marketing, phương pháp quan sát thường được sử dụng để quan sát hành vi, thói quen, kỳ vọng hay pain ponint của khách hàng trong hoàn cảnh tiêu dùng thực tế.

Quan sát là một trong những phương thức cơ bản nhất để nhận thức được các sự vật và hiện tượng. Phương pháp này thường được sử dụng trong trường hợp phát hiện vấn đề nghiên cứu, đặt giả thuyết hoặc kiểm chứng giả thuyết.

Có thể bạn chưa biết, phương pháp quan sát được những người làm marketing áp dụng trong khi thực hiện nghiên cứu thực nghiệm – một phương pháp sử dụng bằng chứng có thể kiểm chứng để đi đến kết quả nghiên cứu.

Những yêu cầu đối với phương pháp quan sát

Để phương pháp quan sát có thể đem lại những thông tin có ý nghĩa, cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau:

  • Tình huống diễn ra hành vi để quan sát phải diễn ra thường xuyên theo một chu kỳ có thể đoán trước được.
  • Thời gian cần thiết để tiến hành quan sát chỉ trong một khoảng thời gian nhất định.

Ưu, nhược điểm của phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học

Giống như nhiều phương pháp khác, phương pháp nghiên cứu quan sát cũng có những ưu nhược điểm riêng. Điều quan trọng là bạn phải biết tận dụng những ưu điểm của phương pháp quan sát và hạn chế được những nhược điểm của nó.

Ưu điểm

Những ưu điểm của phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học:

  • Thu thập thông tin xảy ra trực tiếp: Ưu điểm này cho phép người nghiên cứu trực tiếp quan sát, cảm nhận những sự thay đổi, diễn biến của đối tượng trong những hoàn cảnh cụ thể.
  • Nghiên cứu sống động đối tượng: Sử dụng phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học giúp người quan sát không bị gò bó bởi không gian, thời gian hay chịu tác động của những yếu tố khác. Mọi sự thay đổi của đối tượng sẽ được nắm bắt một cách chính xác và nhanh chóng nhất.
  • Lợi thế trong thăm dò nghiên cứu: Đối với một số đối tượng cần có sự nghiên cứu trong thời gian dài thì phương pháp quan sát là phù hợp nhất. Điều này không mang đến những thay đổi bất chợt cho đối tượng, gây ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
  • Giúp người thu thập chủ động, linh hoạt: Đối với phương pháp này, người nghiên cứu có thể linh hoạt sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu quan sát khác nhau như mắt thường, camera, video, tranh ảnh,…
  • Phù hợp với một số đối tượng nhất định: Phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học đôi khi là lựa chọn duy nhất với một số đối tượng như trẻ em, động vật,…

Nhược điểm

Nhược điểm của phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học:

  • Thông tin có thể chỉ mang tính khách quan: Phương pháp nghiên cứu quan sát được cho là khó để nắm được những thông tin bên trong đối tượng, như tâm tư, tình cảm, thay đổi tâm lý,..
  • Khả năng bị giới hạn nếu không có công cụ hỗ trợ: Phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học gây khó khăn nếu số lượng đối tượng nghiên cứu lớn, trong một phạm vi rộng.
  • Dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan: Khi chỉ quan sát, người nghiên cứu dễ bị tâm lý hoặc quan điểm cá nhân chi phối, ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu thực tế.
  • Quy mô nhỏ: Phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học gây khó khăn khi thực hiện những nghiên cứu có số lượng đối tượng nghiên cứu lớn và không có công cụ hỗ trợ.
  • Khó xây dựng thang đo và tổng hợp kết quả: Do phương pháp nghiên cứu quan sát là phương pháp định tính, các thông tin thu thập được dưới dạng chữ, gây khó khăn khi xây dựng thang đo một cách chính xác.
  • Không có dữ liệu quá khứ: Người nghiên cứu chỉ có thể quan sát đối tượng tại thời điểm hiện tại. Đây là lý do cần có sự kết hợp giữa nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau.

Đặc điểm của phương pháp quan sát

Cùng tìm hiểu rõ hơn về các đặc điểm của phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học:

  • Yêu cầu kết hợp đa dạng về năng lực và trình độ của người nghiên cứu để đáp ứng được các hoạt động phức tạp và đa dạng của đối tượng là cá nhân hoặc tập thể.
  • Phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học được tiến hành dưới cái nhìn chủ quan của người nghiên cứu, chịu tác động của kinh nghiệm, trình độ, thế giới quan, cảm xúc của người thực hiện nghiên cứu.
  • Phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học thường bị chi phối và ảnh hưởng bởi các hoạt động nhận thức.
  • Kết quả nghiên cứu bị phụ thuộc vào quá trình xử lý thông tin, vì thế khi chọn lọc cần dựa vào những tiêu chuẩn cụ thể.
  • Thường kết hợp phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học cùng với nhiều phương pháp khác nhau.

Hình thức phương pháp quan sát

Các hình thức khác nhau của phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học bao gồm:

Quan sát tự nhiên – Quan sát có kiểm soát:

  • Quan sát tự nhiên là hình thức quan sát mà đối tượng ở trong điều kiện tự nhiên, mọi sự thay đổi đều không bị chịu tác động của các nhân tố chủ quan.
  • Quan sát có kiểm soát có thể thực hiện trong một số điều kiện nhất định như phòng thí nghiệm, quan sát tại nhà,…

Quan sát công khai – Quan sát không công khai (bí mật): 

  • Quan sát công khai là đối tượng quan sát biết mình đang bị quan sát. Hình thức này được cho là đảm bảo pháp luật nhưng lại gây nên những tâm lý bất ổn cho đối tượng, gây ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
  • Quan sát không công khai là trường hợp đối tượng quan sát không biết mình đang bị quan sát. Việc này tạo hiệu quả cao hơn khi các sự việc, diễn biến được diễn ra tự nhiên. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm, trình độ và một số trường hợp có thể gây nguy hiểm.

Quan sát trực tiếp – Quan sát gián tiếp: 

  • Quan sát trực tiếp thường hướng đến các đối tượng là sự vật, vô tri vô giác nên áp dụng phương pháp quan sát trực tiếp. 
  • Các đối tượng khác thì nên hạn chế hoặc sử dụng hình thức gián tiếp để theo dõi mà không làm thay đổi đối tượng.

Quan sát có chuẩn bị – Quan sát không chuẩn bị

  • Quan sát có chuẩn bị là đã có sự chuẩn bị về nội dung, có kế hoạch. Điều này giúp người nghiên cứu xác định được những vấn đề cần nghiên cứu, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, hình thức này thiếu linh hoạt và đòi hỏi có sự am hiểu nhất định về đối tượng.
  • Quan sát không chuẩn bị là hình thức chưa xác định được kế hoạch nghiên cứu. Hình thức này mang lại sự linh hoạt nhưng lại khó để nắm bắt và đi sâu vào đối tượng chính cần tìm hiểu.

Quan sát một người – Quan sát một nhóm người

  • Quan sát một người giúp người nghiên cứu có những cái nhìn bao quát, toàn diện về một đối tượng cụ thể. 
  • Quan sát một nhóm người không mang đến cái nhìn toàn diện nhưng lại giúp người nghiên cứu đánh giá được đối tượng khi so sánh chúng với nhau.

Quan sát một lần – Quan sát một nhóm người (quan sát liên tục, định kỳ, chu kỳ)

  • Quan sát một lần thực hiện một lần trên một khách thể và một đối tượng nghiên cứu. Hình thức này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng lại thiếu tính xác thực do chỉ quan sát một lần duy nhất.
  • Quan sát cùng một nhóm người liên tục, định kỳ và theo chu kỳ sẽ mang đến những thông tin có tính xác thực cao, thể hiện được đặc điểm nổi bật của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, hình thức này khá tốn kém và chịu sự tác động của một số yếu tố như thời gian, thời tiết, mùa vụ,…

Quan sát do con người – Quan sát bằng thiết bị

  • Quan sát do con người trực tiếp thực hiện mang đến kết quả cao hơn nhờ nắm bắt được trực tiếp các vấn đề của đối tượng.Tuy nhiên, trong một số trường hợp người nghiên cứu bị ảnh hưởng, tác động ngược lại, gây ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
  • Quan sát bằng thiết bị là sử dụng các công cụ máy móc hỗ trợ mang đến một cái nhìn khách quan về đối tượng. Nhưng kết quả quan sát đôi khi lại thiếu đi tính toàn diện, chính xác.

5 bước cơ bản thực hiện phương pháp quan sát

Khi đã hiểu hết về phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học, cùng bắt tay vào để thực hiện phương pháp này với 5 bước cơ bản sau:

Bước 1: Xác định đối tượng, mục đích quan sát

  • Xác định rõ đối tượng quan sát là gì? Quan sát để làm gì?

Bước 2: Xác định nội dung, phương pháp quan sát

  • Dựa vào nội dung nghiên cứu để xác định mẫu, số lượng, thời gian và thời lượng quan sát mẫu.
  • Dựa vào quy mô của đề tài nghiên cứu khoa học và tính phức tạp của mẫu quan sát để xác định hình thức nghiên cứu và các công cụ hỗ trợ cho việc quan sát.

Bước 3: Lập phiếu quan sát và kế hoạch quan sát

  • Phiếu quan sát đảm bảo các nội dung sau: Đối tượng, địa chỉ, ngày giờ, người thực hiện quan sát.
  • Kết hợp các công cụ hỗ trợ đối với một số đối tượng cần ghi chép, ghi hình cụ thể để làm bằng chứng, chứng cứ xác thực.

Bước 4: Tiến hành quan sát

  • Khi tiến hành quan sát cần xác định điều kiện quan sát để có những phương pháp hoặc thay đổi linh hoạt.
  • Trong quá trình quan sát cần thường xuyên cập nhật, ghi chép thông tin về đối tượng. Các hình thức ghi chép thông thường là phiếu in sẵn, biên bản, nhật ký, hoặc các công cụ hỗ trợ như máy quay, ghi âm, chụp ảnh. 
  • Thông tin được ghi chép lại theo trình tự thời gian, không gian hoặc trong những điều kiện đặc biệt khác.
  • Sau cùng, kết thúc quá trình quan sát, cần phải kiểm tra lại kết quả bằng cách trò chuyện trực tiếp với đối tượng tham gia, sử dụng các tài liệu liên quan hoặc có sự hỗ trợ từ người khác.

Bước 5: Xử lý kết quả quan sát

  • Tập hợp lại các phiếu kết quả, thống kê lại thông tin, sắp xếp lại số liệu, tiến hành mã hóa các số liệu. Cuối cùng phân tích và đưa ra những đánh giá, nhận xét hoặc nhận định khoa học về đối tượng hoặc vấn đề nghiên cứu.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về phương pháp quan sát là gì, những ứng dụng trong khoa học thực tiễn. Hy vọng những nội dung có trong bài sẽ giúp bạn xác định được rõ hơn phương pháp nghiên cứu hợp lý và có được kết quả cao khi nghiên cứu khoa học.