Docly

Dấu hiệu điều tra là gì? Bản chất của hoạt động điều tra hình sự

Một trong những giai đoạn quan trọng của quá trình giải quyết vụ án hình sự chính là hoạt động điều tra. Bởi lẽ, đây là yếu tố hết sức cần thiết để tìm kiếm những chứng cứ, dấu hiệu để xác định tội phạm. Vậy điều tra là gì? Dấu hiệu điều tra là gì? Vai trò của hoạt động điều tra là gì? Thẩm quyền điều tra được quy định như thế nào? Hãy cùng Trang tài liệu tìm hiểu chi tiết nội dung có liên quan đến các câu hỏi này trong bài viết sau đây bạn nhé.

Điều tra là gì?

khái niệm: Trong giai đoạn tố tụng hình sự, điều tra là quá trình mà trong đó cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật định để xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.

Để thu thập chứng cứ, trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra được tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Nhằm mục đích truy tố đúng người phạm tội, toà án có thể xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì trước đó, giai đoạn điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can và chứng cứ xác định các tình tiết khác của vụ án.

Hoạt động điều tra là gì?

Hoạt động điều tra vụ án hình sự được bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ vụ án của Cơ quan điều tra.

Theo đó, đối tượng của hoạt động điều tra là hành vi phạm tội, người phạm tội, thiệt hại do tội phạm gây ra và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án (Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Tùy tình huống thực tế, hoạt động điều tra được thực hiện bằng nhiều biện pháp điều tra khác nhau. Tuy nhiên, luôn thực hiện việc điều tra theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Một số hoạt động điều tra thường áp dụng như:

  • Hỏi cung bị can;
  • Lấy lời khai của những người tham gia tố tụng khác;
  • Đối chất;
  • Nhận dạng;
  • Khám xét;
  • Thu giữ vật chứng, tài liệu;
  • Khám nghiệm hiện trường;
  • Khám nghiệm tử thi;
  • Xem xét dấu vết trên thân thể;
  • Thực nghiệm điều tra;

Vai trò của điều tra

Điều tra giữ vai trò quan trọng trong giải quyết vụ án. Theo đó:

  • Điều tra vụ án hình sự là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự của cơ quan có thẩm quyền đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội và người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm thông qua các chứng cứ đã thu thập được,
  • Điều tra cũng là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm.
  • Điều tra cũng góp phần loại trừ một thái cực khác trong hoạt động tư pháp hình sự, ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố bị can một cách không thận trọng, thiếu chính xác.
  • Điều tra góp phần tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi khởi tố của Viện kiểm sát và xét xử của Tòa án, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.

Các biện pháp điều tra hình sự:

Hỏi cung bị can:

Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.

Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.

Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Lấy lời khai người làm chứng:

Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó. Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai.

Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 66 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.

Trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Đối chất:

Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.

Nhận dạng:

Khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi.

Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

Trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó.

Nhận biết giọng nói:

Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói.

Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau.