Docly

Atlat là gì? Mẹo sử dụng Atlat địa lý Việt Nam trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Atlat là gì? Atlat địa lý Việt Nam được coi là “tài liệu” duy nhất mà học sinh được sử dụng trong tất cả các kỳ thi: thi học kỳ, thi học sinh giỏi các cấp, thi tuyển vào lớp 10, thi Tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Vậy mẹo cách sử dụng Atlat địa lý Việt Nam trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sao cho hiệu quả? Cùng tham khảo trong bài viết dưới đây của Trang tài liệu nhé!

Atlat là gì? Atlat địa lý Việt Nam

Atlat (phiên âm: Át-lát) là thuật ngữ được dùng để đặt tên cho những tấm bản đồ, tập bản đồ: Bản đồ trái đất, một khu vực của trái đất, một hành tinh, hoặc một đất nước, một vùng lãnh thổ.

Tại sao bản đồ địa lý Việt Nam được gọi là Atlat

Về phương diện địa lí, Atlas là tên gọi chỉ hệ thống núi ở ven biển phía tây bắc Châu Phi, nằm trên lãnh thổ các nước Ma-rốc, An-giê-ri, Tuy-ni-đi. Các dãy núi này có chiều dài khoảng 2.000 km, bề rộng khoảng 400 km, chạy theo hướng tây nam – đông bắc. Một số dãy núi trong hệ thống này: Atlas Telo, Atlas Cao, Atlas Trung, Anti Atlas.

Xét về phương diện này, bản đồ hay tập bản đồ trong môn Địa lí được gọi là Atlas vì chúng cùng có ý nghĩa biểu đạt tính hệ thống: Atlas hệ thống núi nối tiếp nhau, có liên quan đến nhau và Át-lát hệ thống các bản đồ có quan hệ hữu cơ với nhau. Từ “Atlas” xuất hiện lần đầu tiên trên bìa tập bản đồ của Méc-ca-tô có lẽ xuất phát từ điểm tương đồng này.

Trong ngôn ngữ người Việt, hiện tượng này được gọi là phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ (gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác trên liên tưởng tương đồng). Ví dụ từ “chân” nghĩa gốc chỉ một bộ phận trên cơ thể con người được dùng trong các trường hợp “chân núi”, “chân bàn” vì có nét tương đồng – đều tiếp giáp mặt đất. Atlas tên hệ thống núi được dùng trong trường hợp bản đồ Atlas vì cùng có tính hệ thống.

Về phương diện nghệ thuật (văn học, mĩ thuật), Atlas là tên một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Nhân vật này phải chịu hình phạt của thần Dớt là gánh trên vai cả bầu trời. Sau này, trên thế giới (như trung tâm Rockefeller ở Mỹ) xuất hiện nhiều công trình điêu khắc phác họa hình ảnh thần Atlas thân hình lực lưỡng, râu dài, cúi đầu, khom lưng, giơ hai tay đỡ một quả cầu rất to đè nặng xuống hai vai. Quả cầu ấy là trái đất.

Mẹo sử dụng Atlat địa lý Việt Nam trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Mẹo số 1: Hiểu rõ cấu trúc Atlat Địa lí Việt Nam

Atlat Địa lý có cấu trúc 4 phần tương ứng với 4 chương trong sách giáo khoa Địa 12 gồm: Địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý các ngành kinh tế và địa lý các vùng kinh tế.

Theo đó, các trang Atlat có nội dung cụ thể như sau:

– Trang 3: Hệ thống lại các kí hiệu bản đồ dùng trong Atlat.

– Trang 4, 5: Thể hiện phạm vi lãnh thổ, các đơn vị hành chính, dân số, diện tích, các thành phố trực thuộc trung ương.

– Trang 6 – 14:  Là những kiến thức thuộc phần Địa lý tự nhiên.

– Trang 15 – 16: Kiến thức thuộc chương Địa lý dân cư.

– Trang 17 – 25: Tóm tắt kiến thức về các ngành kinh tế. Cụ thể: Kinh tế chung ở trang 17; kinh tế nông nghiệp trang 18, 19, 20; kinh tế công nghiệp trang 21, 22; các ngành dịch vụ trang 23, 24, 25.

Các trang còn lại là kiến thức về các vùng kinh tế trọng điểm.

Khi nắm rõ về cấu trúc của Atlat, các em có thể tìm nhanh và chính xác các kiến thức mình cần để giải quyết các câu hỏi đơn giản, đồng thời tiết kiệm thời gian cho những câu hỏi phức tạp. Vì thời gian làm bài trắc nghiệm Địa lý trung bình chỉ có 1,25 phút/câu thôi.

Ví dụ minh họa

Ví dụ: Bờ biển nước ta cong hình chữ S chạy dài từ tỉnh ….. đến …..

  1. Móng Cái – Hà Tiên.                      B. Móng Cái – Cà Mau.
  2. Quảng Ninh – Cà Mau                   D. Quảng Ninh – Kiên Giang.

Nhiều em thấy Atlat rõ ràng là từ Móng Cái – Hà Tiên nên chọn câu A. như vậy là SAI vì Móng Cái, Hà Tiên không phải tên Tỉnh. Ta thấy chữ màu đỏ ở trên gần Móng Cái là Quảng Ninh, và chỗ Hà Tiên chữ đỏ là Kiên Giang.

Vậy câu đúng là D. Quảng Ninh – Kiên Giang.

Mẹo số 2: Đọc Atlat Địa lí Việt Nam một cách đúng trình tự

Điều đó có nghĩa là các em cần biết đọc các thông tin được thể hiện trên bản đồ. Vì ở đó các kiến thức đều được mã hóa dưới dạng các kí hiệu, nên để có thể đọc được bản đồ chính xác các em cần nắm rõ các kí hiệu và chú giải được liệt kê ở trang 3.

Ngoài ra, các em cần nắm chắc các nội dung trong bài học với các mục cụ thể trong Atlat để từ đó tự rút ra được thông tin cần thiết cho mình.

Lưu ý về cách đọc Atlat:

– Vì mỗi câu chỉ có 1 phút 15 giây, nên nếu làm câu Atlat (có thể có từ 4 – 8 câu) mà không quen đọc, các em có thể mất nhiều thì giờ mà vẫn đọc sai.

– Các câu Atlat ta làm sau cùng và làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng Atlat nhiều lần.

– Ngoài ra các em cũng cần nhớ tên 7 vùng kinh tế, 7 vùng nông nghiệp ở trang 17, và trang 18 Atlat. Trang 17 cho biết vùng và có tên các tỉnh thành (chữ đỏ) trong mỗi vùng. Các vùng kinh tế cũng được phóng lớn ở các trang 26, 27, 28 và 29. Mỗi trang có 2 vùng kinh tế, trừ trang 27 có 1 vùng là Bắc Trung Bộ.

–  Đọc kỹ phần ghi chú ở Atlat. Ví dụ: trang 3 về Trung Tâm Công Nghiệp có 4 mức giá trị sản xuất CN (trong trang 21, 26, 27, 28, 29 bài vẽ hình tròn màu đỏ trong có các ngành CN) còn ở trang 3, họ chỉ vẽ có 4 nửa vòng tròn đồng tâm tương ứng với 4 giá trị: vòng lớn nhất có giá trị sản xuất CN trên 120 nghìn tỉ đồng, còn vòng lớn thứ nhì là từ trên 40 đến 120 nghìn tỉ đồng. 75% các em bỏ mất chữ trên nên ghi từ 40 đến 120 nghìn tỉ đồng. Cá biệt có em còn ghi 40 đến 120 nghìn đồng.

– Các em nên lưu ý đến các biểu đồ, lát cắt kèm theo bản đồ cùng trang để nắm số liệu. Ví dụ: Tại Atlat trang 13, nếu quan sát lát cắt bên dưới phía trái bản đồ ta thấy núi Phu Luông cao 2.985m.

Mẹo số 3: Nắm rõ mối tương quan giữa các đối tượng

Cụ thể là mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên với nhau, mỗi quan hệ tương hỗ, quan hệ nhân quả giữa các yếu tố tự nhiên – kinh tế, dân cư – kinh tế, kinh tế – kinh tế, tự nhiên – dân cư…

Các em cũng cần lưu ý và tự trang bị cho mình kĩ năng tính toán, đo đạc, so sánh, xác định vị trí địa lý để làm các bài tập ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Mẹo số 4: 5 bước khi làm bài khai thác Atlat Địa lí Việt Nam

– Bước 1: Đọc kĩ câu hỏi, xác định đúng nội dung câu hỏi.

– Bước 2: Xác định nhanh các trang Atlat liên quan cần dùng để giải quyết được nội dung câu hỏi.

– Bước 3: Xác định kỹ năng cần vận dụng để làm việc với bản đồ (nhận biết, đọc tên đối tượng, xác định vị trí hay xác định mối quan hệ…).

– Bước 4: Xác định và khai thác các kí thiệu thông tin từ Atlat.

– Bước 5: Kết hợp 4 bước trên để tìm ra đáp án.