Docly

Truyện đồng thoại là gì? Đặc điểm của truyện đồng thoại – Ngữ văn 6

Truyện đồng thoại là gì?

Truyện đồng thoại là truyện viết ra cho trẻ em, có nhân vật thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân cách hóa. Các nhân vật này vừa mang những đặc tính vốn có của loài vật hoặc đồ vật, vừa mang đặc điểm của con người.

Đặc điểm truyện đồng thoại

Truyện đồng thoại có những khá nhiều đặc điểm riêng, đây cũng chính là thứ tạo nên sự lôi cuốn và sức hấp dẫn đối với độc giả. Thể loại này thường được nhận dạng thông qua 3 đặc điểm chính sau:

  • Nhân vật trong truyện là các loài vật đã được tác giả nhân cách hóa, có tên gọi, hành động và suy nghĩ như con người. 
  • Tuy nhiên, bên cạnh đặc điểm của con người, nhân vật trong truyện đồng thoại vẫn giữ nguyên được các đặc điểm vốn có về thức ăn, sở thích, nơi ở… từ đó đem đến sự sinh động, chân thật, gần gũi.
  • Truyện đồng thoại ẩn chứa và mang đến cho độc giả, đặc biệt là các em nhỏ những bài học giáo dục về nhận thức, thẩm mỹ…

Cốt truyện đồng thoại

– Cốt truyện: là yếu tố quan trọng của truyện kể, gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định, có mở đầu, diễn biến và kết thúc.

– Cốt truyện đồng thoại: gồm các sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian, với kết cấu: sinh ra (tuổi thơ) – trưởng thành – biến cố – thành công, nhận được bài học (kết thúc có hậu)

Tác giải của một số truyện đồng thoại nổi tiếng

Truyện đồng thoại của nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài được đánh giá là cây đại thụ trong nền văn chương Việt Nam và đặc biệt là vô cùng quen thuộc với độc giả thiếu nhi. Các tác phẩm truyện đồng thoại của ông được sáng tác ở cả hai giai đoạn trước và sau năm 1945, vì vậy sự đa dạng về các nhân vật cũng như bối cảnh được thể hiện rõ rệt trong truyện.

Bên cạnh đó, bằng giọng văn hóm hỉnh và lối viết thông minh, truyện đồng thoại của Tô Hoài cũng mang đến cho các em nhỏ những bài học giáo dục sâu sắc mà gần gũi. Một số tác phẩm tiêu biểu thuộc thể loại đồng thoại của nhà văn Tô Hoài có thể kể đến như: Dế Mèn phiêu lưu ký, Đám cưới chuột, Võ sĩ Bọ Ngựa, Hai con ngỗng, Vện ơi Vện…

Truyện đồng thoại của nhà văn Võ Quảng

Nhà văn Võ Quảng là một trong những tác giả nổi tiếng, viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi. Ông từng vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007). Truyện đồng thoại của nhà văn Võ Quảng mang đậm triết lý sâu sắc nhưng cũng thật hồn nhiên, đặc biệt có sức hấp dẫn với các bạn nhỏ.

Với thể loại đồng thoại, Võ Quảng đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Cái mai, Những chiếc áo ấm, Bài học tốt, Anh cút lủi, Ngày Tết của trâu xe, Sáo sậu và đàn trâu…

Truyện đồng thoại của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh được độc giả biết đến nhiều qua các tác phẩm về chủ đề tuổi mới lớn. Tuy nhiên, khi bắt đầu chuyển sang thể loại truyện đồng thoại vào năm 2012, ông đã nhận được sự ủng hộ vô cùng lớn từ độc giả thiếu nhi. 

Các tác phẩm truyện đồng thoại của Nguyễn Nhật Ánh không được đồ sộ, phong phú như những tác giả “lão làng” nhưng ông lại gây ấn tượng với độc giả nhờ giọng văn dí dỏm trong sáng, sinh động và cốt chuyện thú vị, hấp dẫn. Các truyện đồng thoại như: Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, Tôi là Bêtô… đều ghi nhận mức doanh thu cao từ khi ra mắt.

Truyện đồng thoại của nhà văn Phạm Hổ

Nhà văn Phạm Hổ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2001. Ông vừa là nhà thơ, nhà văn vừa là người viết kịch, phê bình văn học, dịch thuật… Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm của Phạm Hổ đều dành cho thiếu nhi.

Những tác phẩm truyện đồng thoại của Phạm Hổ đến với độc giả nhờ giọng văn gần gũi, chân thật, lối kể chuyện tự nhiên và dẫn chuyện bằng tâm hồn ngây thơ, trong sáng của trẻ em. Các tác phẩm như: Bê và Sáo, Chú sẻ con và bông hoa Bằng Lăng… đã thể hiện được tài năng cũng như tâm ý của nhà văn Phạm Hổ với văn học thiếu nhi Việt Nam.