Docly

Ý nghĩa và công dụng nón lá Việt Nam

Việt Nam là một đất nước có nền văn minh lúa nước, để ra đồng, người nông dân luôn phải sử dụng nón lá để che mưa, che nắng, giúp cho công việc đồng áng được diễn ra một cách thuận lợi hơn. Mặc dù là một vật dụng rất đơn giản, nhưng đây chính là biểu tượng văn hóa của đất nước Việt Nam.

Tuy vậy, không hẳn ai cũng biết được xuất xứ, cúng như ý nghĩa ra đời của chiếc nón lá. Là người Việt, hơn ai hết chúng ta nên tìm hiểu rõ về nguồn gốc & ý nghĩa và công dụng nón lá, để từ đó có thể quảng bá những hình ảnh đẹp nhất của đất nước đến với bạn bè năm châu. Và để thực hiện được việc này, Trang tài liệu sẽ giúp bạn.

Nón lá là gì?

Khái niệm: Nón lá là biểu tượng của người dân Việt Nam, đặc biệt là với người phụ nữ. Việt Nam là một nước có nền văn minh lúa nước, những chiếc nón sinh ra dùng để che nắng, che mưa khi đi làm nông, khi lao động. Nón lá ngày nay đã trở thành một nét đẹp truyền thống gắn liền với hình ảnh áo dài giúp người con gái Việt trở nên duyên dáng, dịu dàng hơn.

Nguồn gốc & ý nghĩa nón lá

1. Nguồn gốc nón lá Việt Nam

Chiếc nón lá ra đời từ 2500 – 3000 năm trước công nguyên, hình ảnh đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh. Trước đây, để tìm kiếm một vật dụng giúp che mưa ché nắng, giúp chống chọi lại với sự khắc nghiệt của thời tiết, dân ta đã biết sử dụng những nguyên vật liệu thô sơ nhất, để từ đó kết nên một chiếc nón có vành rộng, phát huy được nhiều tác dụng hữu ích cho người nông dân.

Thời gian dài về sau, vì chiếc nón lá đã dần quen thuộc với đời sống sinh hoạt của nhân dân, nên chiếc nón lá được sử dụng phổ biến, và trở thành một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Nón lá Việt Nam trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, ban đầu nón lá được kết hình tròn, tương tự như nón miền Bắc thời xưa. Tiếp đến là nón quai thao, và sau này là nón chóp (nón Huế). Nón chóp tạo được khối vững vàng, có chiều sâu, che mưa nắng tiện lợi, có tính thẩm mỹ cao, nên tạo được sự duyên dáng cho người sử dụng. Cũng chính vì lý do này, mà kết cấu của nón lá có hình dạng chóp như hiện tại.

Theo một giai thoại khác, thì nón lá được tạo ra vì để tưởng nhớ một người phụ nữ có thân hình cao lớn. Trên đầu luôn đội một chiếc mũ được làm từ bốn chiếc lá hình tròn, và bất cứ nơi nào mà người phụ nữ này đi qua, đều giúp cho thời tiết trở nên thuận lợi hơn. Người phụ nữ này đã giúp nông dân biết trồng lúa trước khi biến mất. Để biết ơn người phụ nữ có công lao to lớn này, mọi người đã làm nên chiếc nón bằng cách lồng ghép những chiếc lá cọ lại với nhau. Từ đó, nón lá Việt Nam được ra đời.

Chiếc nón lá ra đời mang ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần. Và đặc biệt, hình ảnh văn hóa của đất nước Việt Nam được trên toàn thế giới biết đến, mỗi khi có sự hiện diện chiếc nón lá.

2.Công dụng nón lá Việt Nam

Chiếc nón lá có giá trị vật chất rất lớn, mặc dù nón lá không phải là một vật dụng đắt tiền, nhưng chúng lại mang một vẻ đẹp đơn sơ và giản dị, như chính tâm hồn của con người Việt Nam. Với người nông dân, nón là vật dụng không thể thiếu, và được sử dụng hàng ngày giúp bà con che mưa che nắng.

Không những vậy, chiếc nón lá còn được các mẹ, các chị dùng để đi chợ, là một vật dụng thay thế cho chiếc quạt tay, giúp tạo ra những cơn gió mát khi nghỉ giải lao trên đồng ruộng. Với người phụ nữ Việt Nam, chiếc nón lá làm tôn lên vẻ kín đáo, dịu dàng khi kết hợp cùng tà áo dài thướt tha. Đây cũng chính là nét đặc trưng của nón lá mỗi khi được mọi người nhắc đến.

Nón lá còn là một món quà lưu niệm, mà ai cũng có thể mua để làm quà tặng đặc biệt cho người thân và bạn bè quốc tế. Không chỉ ở Việt Nam, chúng ta sẽ nhìn thấy chiếc nón lá xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hầu như ai ai khi đã một lần sử dụng chiếc nón lá, đều muốn giữ lại bên mình như là một vật kỷ niệm quý giá.

Bên cạnh giá trị về vật chất, chiếc nón lá còn mang một giá trị lớn về tinh thần. Từ bao đời nay, chiếc nón lá Việt Nam được khắc họa và sống mãi theo bề dài lịch sử của đất nước. Nón lá được đi vào thơ ca, nhạc họa, được những thi sỹ, họa sỹ tô vẽ giúp cho biểu tượng ngày càng ghi đậm dấu ấn với con người Việt Nam.

“Ôi nón bài thơ của xứ nhà
Có bàn tay nhỏ nở như hoa
Có thành phố cổ giàu mưa nắng
Bóng nón đi về thêm thiết tha.”

Bốn câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm khẳng định nón lá là một biểu tượng bền vững của xứ nhà, và khi thấy chiếc nón lá ở đâu, chúng ta cũng biết đó chính là hình ảnh của đất nước, hình ảnh của sự giản dị và đơn sơ.

Chiếc nón lá xuất hiện trong nhiều lời ca tiếng hát, với những thanh điệu du dương, trầm ấm, chiếc nón lá đi vào ca khúc một cách nhẹ nhàng, sâu lắng:

“Anh gửi tặng nón bài thơ quê mẹ
Gửi cho em dòng sông cửa bể
Cả vầng trăng và cả trời xanh
Nước dưới sông có khi đầy khi cạn
Trăng trên trời khi tỏ khi mờ
Tình đôi ta từ bấy đến giờ
Vẫn tròn như chiếc nón bài thơ”

Không chỉ có thơ ca, chiếc nón lá cũng được họa sỹ đưa vào những bức tranh sơn dầu một cách vi diệu. Chiếc nón lá được kết hợp duyên dáng với áo dài, với cành hoa sen, với làng quê của đất nước. Tất cả rất đỗi quen thuộc, và khi chiêm ngưỡng những bức tranh đặc biệt này ở phương xa, chúng ta sẽ nhớ đến con người Việt, nhớ đến bản sắc văn hóa của Phương Đông.