Phân tích câu tục ngữ: Nhàn cư vi bất thiện là gì?
‘Nhàn cư vi bất thiện’ là câu thành ngữ thấm đượm đạo lý được cha ông ta đúc kết từ xa xưa. Vậy, nhàn cư vi bất thiện là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn về câu nói này qua bài viết dưới đây của Trang Tài Liệu.
Mục lục
Nhàn cư vi bất thiện là gì?
Cuộc sống của mỗi con người có ý nghĩa hay không đều do bạn thân họ quyết định. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa và tươi đẹp hơn nếu bạn chăm chỉ lao động cũng như làm việc để hướng tới cái thiện.
Nếu bạn chọn một lối sống nhàn rỗi, lười biếng, không chịu làm gì thì sẽ dẫn đến một cuộc đời vô nghĩa. Như ông cha ta đã có câu thành ngữ để răn dạy thế hệ sau: “Nhàn cư vi bất thiện”. Vậy “Nhàn cư vi bất thiện” nghĩa là gì, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.
“Nhàn” là rảnh rỗi, có ít hoặc không có việc gì để làm, để suy nghĩ. “Cư” nghĩa là ở, hay cư trú. “Nhàn cư” ở đây là trạng thái không có việc làm chứ không phải là cuộc sống an nhàn giống như các nhà thơ ngày trước thường bỏ trốn quan trường mà trở về quê hoặc lên núi ở ẩn. “Vi bất thiện” nghĩa là trở thành không tốt đẹp, không đức hạnh.
Như cách giải nghĩa ở trên ta có thể hiểu “Nhàn cư vi bất thiện” nghĩa là nếu con người ta luôn lựa chọn sự nhàn rỗi, lười biếng, không chịu làm gì thì sẽ dễ dẫn đến các hành động sai lầm, sai trái, thói hư tật xấu làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
“Nhàn cư vi bất thiện” trong cuộc sống hiện đại
Ngày nay, các bạn trẻ nhàn rỗi, không có việc gì làm hoặc không chịu làm rất dễ sa đà vào những tệ nạn xã hội như hút chích, lô đề, rượu chè… Trường hợp những bạn học sinh, sinh viên không học tập chăm chỉ, chỉ nghĩ tới vui chơi, giải trí… dần sa đà vào những thói xấu cũng là một trong những ví dụ điển hình của “Nhàn cư vi bất thiện”.
Một số ví dụ khác như phụ nữ không có việc làm sẽ dễ ngồi “buôn dưa lê” kể chuyện xấu, gây hiềm khích với hàng xóm láng giềng. Đàn ông không chịu lao động, rảnh rỗi quá mức sẽ dễ tìm đến các thói xấu như cờ bạc, rượu chè thậm chí là đánh mắng vợ con. Đó chính là kết quả của việc không chịu lao động, làm việc từ đó sinh ra những thói hư tật xấu gây ảnh hưởng đến cả bản thân lẫn mọi người và xã hội.
Ai cũng thích “nhàn cư” để hưởng thụ, tuy nhiên cần phải có chừng mực. Nếu bạn còn trẻ thì càng phải làm việc cống hiến để khi về già bạn có thể thoải mái hưởng thụ, sống một cuộc sống vui vẻ không muộn phiền, lo nghĩ.
Những người sinh ra không được may mắn như người bình thường họ bị khuyết tật cơ thể nhưng vẫn lao động bằng nhiều cách để không trở thành gánh nặng của xã hội, để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn Vì vậy, không có lý do gì mà những người khỏe mạnh, có khả năng lao động như chúng ta lại không thể làm một việc tử tế có ý nghĩa bản thân, cho cuộc sống.
Có rất nhiều người sống buông thả và nghĩ rằng điều đó không ảnh hưởng đến ai. Song, đó chính là một suy nghĩ thụt lùi, tạo nên tư tưởng sai lầm đúng như câu nói “Nhàn cư vi bất thiện”. Vậy làm sao để thay đổi được suy nghĩ lệch lạc đó?
Phần lớn vẫn là bản thân mỗi người phải tự rèn luyện, học tập, thay đổi, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ngay cả khi nhàn hạ chúng ta cũng không nên nghĩ hay làm những việc sai trái. Thay vào đó, hãy tìm cách giải quyết vấn đề vì dù có thất bại bạn cũng không hổ thẹn với bản thân lại có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học để đến gần hơn với thành công.
Nhìn chung, “Nhàn cư vi bất thiện” là câu thành ngữ đầy ý nghĩa về cuộc sống mà bất cứ ai cũng nên “nằm lòng”. Muốn sống đẹp, sống có ý nghĩa và có giá trị đồng thời tránh xa những thói hư tật xấu, bạn hãy ghi nhớ.
Nhàn cư vi bất thiện tiếng Anh là gì?
Trong tiếng anh “Nhàn cư vi bất thiện” có thể được diễn đạt qua câu nói: “Doing nothing is doing ill.”
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ phê phán thói lười biếng
Ngoài “Nhàn cư vi bất thiện”, ông cha ta còn phê phán thói lười biếng, “ăn sẵn”, không chịu làm lụng… qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ sau:
- Sáng tai họ, điếc tai cày.
- Ngồi dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn.
- Cưỡi trâu ra, cột trâu đánh đáo
Cưỡi trâu về, nói láo trâu no. - Ăn ở trần, mần mặc áo.
- Khi ăn thì sấn cổ vào
Khi làm cả thảy xé rào chạy khan. - Ôm cây đợi thỏ.
- Được bữa nào xào bữa ấy
Bữa nào không thấy đắp chiếu nằm không. - Lánh nặng tìm nhẹ.
- Da đen, khu đỏ lắm ló lắm tiền
Da trắng, khu trắng chỉ phiền vợ con. - Nhịn đói nằm co còn hơn ăn no vác nặng.
- Người ăn thì có, người mó thì không.
- Lưng dài vai mập ba gang
Ăn nhai nửa miệng: khô khan chai lười. - Mặt mày sáng sủa như sao
Ngồi không ăn bám biết bao cho vừa.
Giải thích câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện
Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ “Nhàn cư vi bất thiện”. (Một trong những câu tục ngữ có giá trị mà ông cha ta đã để lại để răn dạy con cháu sau này chính là câu nói: “Nhàn cư vi bất thiện”.
2. Thân bài
a. Giải thích
“Nhàn cư vi bất thiện ” là có một cuộc sống nhàn rỗi, không làm ăn, lười lao động dễ dẫn đến các hành vi xấu xa, sai trái.
Câu tục ngữ khuyên chúng ta phải biết lao động, giữ cho bản thân mình luôn trong trạng thái bận rộn để tạo ra của cải vật chất giúp ích cho đời.
b. Phân tích
Lao động giúp con người tạo ra của cải vật chất, qua lao động con người sẽ khẳng định được năng lực, giá trị của bản thân.
Những kẻ sợ lao động, lười biếng lao động,… là mầm mống để gây nên những điều xấu xa cho xã hội, cho con người vì họ không lao động nhưng nhu cầu vật chất của họ vẫn như những người khác thì họ phải làm những việc xấu để có được vật chất đó.
Nếu xã hội con người ai ai cũng chăm chỉ lao động, hướng đến những điều tốt đẹp thì xã hội sẽ phát triển văn minh hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
Tuy nhiên, bên cạnh những người xấu, ưa hưởng thụ vẫn còn những con người ngày đêm lao động, cống hiến cho xã hội này tốt đẹp hơn.
3. Kết bài
Khái quát lại ý nghĩa câu tục ngữ “Nhàn cư vi bất thiện” đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Văn mẫu Giải thích câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện
Trong cuộc sống ai ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống an nhàn mà không cần phải lao động vất vả những sự an nhàn đó sẽ làm cho con người rảnh rỗi và sinh ra những điều xấu cho xã hội như câu tục ngữ: Nhàn cư vi bất thiện đã nói về điều đó.
Lao động là để con người tồn tại và phát triển. Con người luôn mong muốn mình có một cuộc sống an nhàn, ăn không ngồi rồi không chịu lao động và làm bất cứ một việc gì hết chỉ biết có hưởng thụ mà không biết đến lao động, để những điều đó diễn ra con người sẽ sinh ra nhưng giây phát nhàn rỗi và lại có những hành động không tốt. Trong cuộc sống một số học sinh nhàn hạ không lo học hành chỉ ham chơi đua đòi rồi trở thành người xấu trong xã hội, bởi sự an nhàn dã biến họ thành những người xấu, họ trở thành gánh nặng cho xã hội, không lao động chỉ ham chơi và tham gia vào những tập đoàn người xấu họ sẽ trở thành những người xấu như ông cha ta đã nó “gần mực thì đen gần đèn thì rạng đó là câu nói hoàn toàn đúng, nếu chúng ta lao động chăm chỉ và học tập những con người như vậy chúng ta sẽ trở thành những con người có ích.
Sự an nhàn là điều ai cũng thích những chúng ta cần phải lao động để tuổi già hưởng đó là sự an nhàn đúng, nhưng còn đối với những lứa tuổi, trẻ lứa tuổi cần học tập và cống hiến cho đời lại có những suy nghĩ an nhàn và lười lao động. Học sinh không học tập chăm chỉ để sau này không có công ăn việc làm và trở thành những người xấu, đua đòi nghiện hát trộm cắp không chỉ bị xã hội lên án mà đó là những điều bất thiện. Bất thiện là những điều không tốt, những điều mà xã hội nghiêm cấm và con người không nên làm những nó lại bị những con người không có suy nghĩ đúng đắn làm xấu đi những hình ảnh đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nhiều tấm gương chịu lao động và học đã trở thành những con người thức sự có ích cho xã hội, cần cù lao động và giúp họ rèn luyện bản thân, vừa giúp họ hoàn thiện nhân cách của mình, đưa họ vào một khuôn phép và giúp họ có những suy nghĩ chín chắn ngay từ đầu. Đó là những điều thực sự rất cần thiết cho những con người có mục tiêu và có những nghị lực sống tốt đẹp. Chúng ta cần phải lao động như vậy chúng ta mới có tuộc sống tốt đẹp và trở thành những người công dân có ích cho xã hội được. Chúng ta cần phải có những đóng góp cho đời dù đó là những đóng góp nhỏ nhoi nó cũng góp phần làm cho xã hội này ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhiều cá nhân chỉ ham chơi và đua đòi không chịu học tập và lao động, ưa nhàn hạ về thân xác họ chọn con đường trộm cắp để sống, những việc làm đó là điều bất nhân trong xã hội bị xã hội lên án, chúng ta cần phát triển và rèn luyện bản thân vào một khuôn phép ngay từ đầu có như vậy chúng ta mới là những người công dân có ích cho xã hội được, đừng vì sự nhàn hạ trước mắt mà đánh mất bản thân, đánh mất đi con người lương thiện của mình, chúng ta cần giáo dục bản thân trong một môi trường tốt đẹp ở đó không có những cám dỗ và những điều xấu. Phát triển bản thân qua những hành động và những nghĩa cử cao đẹp.
Chúng ta cần rèn luyện bản thân và học tập những điều tốt trong cuộc sống để trở thành những người tốt cho xã hội đừng vì những lợi ích trước mắt mà đánh mất đi chính mình, chúng ta cần coi câu Nhàn Cư vi bất thiên là bài học để chúng ta học tập và tránh xa những điều xấu trong xã hội.
Giải thích câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện – Bài làm 2
Thường trong xã hội, ai cũng mơ ước mình có được cuộc sống an nhàn, sung sướng để khỏi chạy vạy từng miếng cơm manh áo. Được như thế hạnh phúc biết bao! Thế nhưng người Trung Hoa lại có câu: Nhàn cư vi bất thiện. Vậy nhàn cư có phải là cuộc sống mà ta hằng mong ước không? Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ trên như thế nào?
Nhàn cư là cuộc sống an nhàn. Bởi xưa kia các vị quan ở ẩn cũng như những thi nhân, ai cũng chọn cho mình cuộc sống nhàn lúc trở về quê nhà. Cuộc sống nhàn của họ là sống hòa mình với niềm vui lao động: vườn hoa cây kiểng hoặc một mai, một cuốc, một cần câu. Họ sống xa rời vòng danh lợi, không muốn bon chen để mưu cầu vinh hoa phú quý. Đó là cách sống thể hiện tiết tháo của nhà nho. Còn chữ nhàn cư mà câu tục ngữ nói ở đây là sự ở không, không biết làm việc gì, không có việc gì để làm, chỉ biết sống hưởng thụ, ăn bám vào người khác. Cách sống đó ở không, nhàn rỗi như vậy dễ sinh ra điều không tốt: vi bất thiện. Câu tục ngữ muốn đề cập đến: sự lười biếng, ăn không ngồi rồi sẽ dễ sinh ra nhiều thói hư tật xấu.
Rõ ràng là như vậy. Khi một người không có một nghề nghiệp gì cả, không có một định hướng nào trong cuộc sống, chỉ biết có sẵn của ăn của mặc, không cần suy nghĩ, không cần làm việc gì để giúp ích cho ai cả, thì những con người đó dễ sinh ra những việc làm sai quấy. Trong khi mọi người xung quanh ai cũng làm việc, như thế mãi sẽ đâm ra chán cho nên họ lại suy nghĩ tìm cách để giải khuây. Thế là những trò tiêu khiển được đặt ra: bài bạc, rượu chè, hút xách. Dần dần trở thành thói quen không bỏ được và họ chỉ biết lao vào những trò chơi “giết người” ấy. Cơ thể bạc nhược đầu óc mụ mẫm không còn phân biệt đúng, sai; họ như những con thiêu thân cứ lao vào và tiến tới mãi những trò tiêu khiển đó. Nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, đòi hỏi cá nhân của con người ngày càng nhiều, trong khi những kẻ lười biếng kia không chịu làm việc mà lại muốn có đủ tất cả. Do vậy muốn có thật nhiều tiền để dùng, tiêu xài, để hưởng thụ qua các trò chơi trác táng kia, họ phải tìm cách để giải quyết, để thỏa mãn. Dẫu cho gia đình có tiền muôn bạc vạn dần dần cũng sẽ suy sụp rồi trở nên nghèo túng. Lúc này, những “con nghiện” quen hưởng thụ kia tất phải trở thành kẻ xấu. Họ cố tìm ra những mưu mô gian xảo nhất để kiếm ra tiền: từ chỗ lường gạt, trộm cướp thậm chí dẫn đến chỗ giết người. Đó là hậu quả của việc nhàn cư rất tai hại.
Tất cả những thói hư tật xấu đều bắt nguồn từ sự nhàn cư mà ra. Một nhà tư tưởng phương tây cũng đã nói: Sự ăn không ngồi rồi là mẹ đẻ của các tật xấu. Điều ấy không sai. Chúng ta nhìn vào thực tế của xã hội: những sòng bạc những ổ mại dâm, những động xì ke, ma túy… đều bắt nguồn phát sinh từ những kẻ thôi công rỗi việc, những kẻ lười biếng, thích hưởng thụ. Những hạng người này không giúp ích gì cho ai mà còn làm hại những người xung quanh, những tệ nạn xã hội ngày càng lan rộng, những trò giết người cướp của không thuyên giảm đều do hậu quả của việc nhàn cư. Vì vậy muốn tránh những thói hư tật xấu ấy, con người phải lao động phải tìm việc làm, những công việc có ích cho mọi người, cho xã hội. Bởi lẽ có làm việc ta không có thời gian rảnh rỗi để lao vào những trò vô bổ, không có thời gian để suy nghĩ những điều xấu xa… Lao động sẽ giúp ta tạo được cuộc sống ấm no đầy đủ, trở thành người tốt. Và chính sự ở không, sự lười biếng mới chính là kẻ thù của con người.
Câu tục ngữ “Nhàn cư vi bất thiện” khuyên chúng ta phải tránh xa sự nhàn cư để không làm điều bất thiện. Muốn bảo vệ phẩm giá con người, muốn xứng đáng làm người tốt trong xã hội thì ta phải lao động, phải làm việc hăng say tích cực. Ta cũng cần hiểu rằng: lao động là vẻ vang, là cần thiết và là nghĩa vụ của mỗi con người. Đừng quên theo dõi website của chúng tôi để cập nhật nhiều khái niệm hấp dẫn khác.