Tam tòng tứ đức là gì? Tam tòng tứ đức trong văn hoá xưa và nay
Bên cạnh tiêu chuẩn Tam cương ngũ thường dành cho nam nhi trong xã hội phong kiến thì nữ nhi trong xã hội phong kiến cũng phải tuân theo Tam tòng tứ đức. Đây là những tiêu chuẩn đạo đức, cách ứng xử mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải cố gắng làm theo, chỉ khi ấy, người phụ nữ mới được coi là được giáo dục.
Phụ nữ phong kiến không được đi học nhưng vẫn phải nằm lòng Tam tòng tứ đức. vậy tam tòng tứ đức gì, mà có thể đánh giá một người phụ nữ. Cùng Trang tài liệu tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Tam tòng là gì?
Khái niệm: Tam tòng là ba điều người phụ nữ phải tuân theo, đó là: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con). Cũng từ ý này mà người ta khẳng định: ở nhà thì phải nghe lời cha, đi lấy chồng phải nghe lời chồng, chồng chết phải nghe lời con. Như vậy, ở bất cứ nơi đâu người phụ nữ đều bị lệ thuộc. Rõ ràng tam tòng là hoàn toàn xa lạ vối lối sống xã hội hiện đại, với bình đẳng nam nữ trong xã hội văn minh
Tứ đức là gì?
Tứ đức bao gồm: Công, dung, ngôn, hạnh.
Công:
Công là sự khéo léo tinh tế về tay chân và nghề nghiệp của người con gái. Như lao động giỏi trên đồng ruộng với những đường cày thẳng tắp, với cấy lúa thẳng hàng, biết nội trợ, biết lo toan sắp xếp mọi công việc của người phụ nữ trong gia đình. Từ việc lo “cái mặc” như việc trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt vải, rồi vá may, thêu thùa… phải thông thạo. Đến việc lo “cái ăn” như việc cấy hái, trồng trọt, cơm nước, nấu nướng cho bữa ăn hàng ngày, biết lo chu tất cho mâm cỗ, bánh trái cho ngày giỗ, ngày tết. Có thế khi “ra ở riêng” mới gánh vác nổi “Giang sơn nhà chồng”. Chữ công đó sau này trở thành chuyên ngành nữ công gia chánh của phụ nữ.
Dung: Dung ở đây là dung mạo, không chỉ chỉ ngoại hình mà còn bao gồm cả cách ăn mặc, trang điểm. Người phụ nữ trong cách ăn mặc phải trang nhã, đứng đắn, bên ngoài không nên ăn diện quá mức, bên trong phải chú trọng tu dưỡng đạo đức. Người xưa thường quan niệm người phụ nữ đẹp phải có ngôn hành dịu dàng, dáng vẻ đoan trang, nội tâm ôn hòa.
Ngôn: Ngôn là lời nói. Người xưa cho rằng người phụ nữ có giọng nói dịu đàng, ôn nhu, lời nói ra như ngọc như ngà, không nói lời thô tục, hỗn hào, phải khéo léo ứng đối. Khéo léo ở đây tức là trước khi nói phải suy xét xem những lời mình nói ra liệu có thỏa đáng không, có thích hợp không đồng thời không được dùng những lời ác làm tổn thương ngươi khác, cướp lời của người khác. Khi nói chuyện với chồng, con phải dịu dàng khuyên can còn khi giao tiếp bên ngoài xã hội phải rõ ràng, giữ lễ. Để có thể đạt được chữ “ngôn”, người phụ nữ phải có trí tuệ và thường xuyên tu dưỡng tri thức
Hạnh: Hạnh chính là đức hạnh, là phẩm chất quan trọng nhất của người phụ nữ. Một người phụ nữ đức hạnh là người sẽ giáo dục con cái trở thành những người có đạo đức đồng thời giúp chồng đề cao phẩm đức của bản thân, gia đình thịnh vượng. Người phụ nữ phải thủ vững tiết giáo, giữ thân như ngọc, đồi với hôn nhân gia đình phải môt lòng một dạ, đối với cha mẹ chồng phải khiêm cung hiếu lễ
Tam tòng tứ đức là gì?
Tam tòng tứ đức chính là những quy định buộc người phụ nữ phải tuân theo, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Nó giáo dục người phụ nữ tôn trọng kỷ cương, nề nếp gia đình, duy trì ổn định trật tự xã hội, giúp cho giá trị của những người phụ nữ được nâng cao. Nó góp phần tích cực trong việc giáo dục phẩm chất đạo đức cá nhân tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Nhẫn lại, hy sinh, tần tảo, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó, thủy chung son sắt, hết lòng vì chồng vì con, vị tha, nhân hậu, giản dị, trọng nghĩa trọng tình, hiếu thảo với cha mẹ, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích gia đình.Trong xã hội hiện đại, nó góp phần giáo dục người phụ nữ hoàn thiện bản thân, góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, tam tòng tứ đức đối với một người phụ nữ là vô cùng cần thiết, không có điểm nào là không tốt. Dù cho xã hội hiện đại không còn khắt khe với những người phụ nữ như trước thế nhưng nó vẫn có những giá trị nhất định trong việc hình thành nhân cách một người phụ nữ.
Tam tòng tứ đức trong văn hoá xưa và nay
Nhìn chung những nội dung cơ bản của thuyết Tam tòng, tứ đức là những quy định khắt khe tưởng chửng như chói buộc cuộc sống của người phụ nữa Việt Nam. Xét trên nhiều phương diện, thuyết này có những ảnh hưởng lớn đối với quan niệm xưa nay của ông cha ta bởi vậy nó bên cạnh những sự tiêu cực thì nó cũng đem lại một số ảnh hưởng tích cực nhất định.
Trong quá trình phát triển của lịch sử, những quy định khi du nhập vào Việt Nam đã được hiểu theo lối rất khắt khe, dường như là những sợi dây thắt chặt lấy cuộc đời của người phụ nữ. Cộng thêm với những định kiến xã hội ” trọng nam, khinh nữ” điều này đã vô hình chung làm cho số phận người phụ nữ càng trở nên nghiệt ngã, phụ thuộc. Bởi lẽ, cả cuộc đời họ phải chịu cảnh sống phụ thuộc, dựa vào sự định đoạt mà người khác dành cho họ. Người phụ nữ chẳng hề có quyền hành, tiếng nói để bảo vệ cho cuộc sống của mình. Nội dung thuyết “tam tòng” thể hiện rõ cách đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ trong gia đình; vì phụ nữ họ phải phục tùng người đàn ông với tư cách là người cha, người chồng, người con trai.
Nhìn chung, quan niệm về tam tòng đã tước quyền bình đẳng của người phụ nữ trong suốt cuộc đời của họ từ lúc trẻ đến khi về già. Thuyết “tam tòng” bó hẹp trách nhiệm người phụ nữ chỉ trong phạm vi gia đình, không nói đến sự tham gia công tác xã hội của họ. Người phụ nữ lao động vất vả, không được học tập, phải làm việc nhiều, đặc biệt phải làm nội trợ gia đình, nuôi con cái, phục tùng tuyệt đối sự chỉ đạo của người cha, người chồng, người con trai đã trưởng thành khi chồng chết. Tuy nhiên, dù cuộc đời cay nghiệt, vùi dập là lấy đi tất cả của họ là thế nhưng người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn sáng lên những phẩm chất cao đẹp vốn có của mình: công, dung, ngôn, hạnh.
Ngày nay, khi đất nước đã phát triển, những quan niệm xưa cũ, lạc hậu đã bị xóa bỏ mà thay vào đó là những chính sách ưu tiên dành cho người phụ nữ. Họ đã thoát khỏi sự kìm kẹp của thuyết tam tòng dẫn tới sự bình đẳng giới. Pháp luật đã không ngừng thay đổi để cho mọi người đều bình đẳng và có quyền như nhau. Nhưng những gì tốt đẹp của thuyết ” tứ đức” vì vẫn còn nguyên giá trị. Dù ở bất kỳ xã hội nào, người phụ nữ cũng nên có những phẩm chất đó. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được chính những sự khắt khe từ thuyết Tam tòng, tứ đức đã tạo nên những người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, tần tảo, chung thủy, son sắc, giàu tình yêu thương và sự hy sinh. Trong những nghịch cảnh khó khăn nhất của cuộc đời, họ vẫn không ngừng vươn lên đấu tranh, giành lấy những hy vọng sống dù là mong manh nhất. Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, người phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là những nữ chiến sĩ kiên cường, xứng đáng được Bác Hồ phong tặng 8 chữ vàng: ” Anh dũng, kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.”
Mặc dù đến nay, mọi người đã không còn quá coi trọng thuyết Tam tòng nhưng thuyết Tứ đức vẫn được răn dạy để hoàn thiện hình mẫu người phụ nữ Việt Nam. Vẫn còn giữ vẹn nguyên những giá trị, phẳm chất công, dung, ngôn, hạnh ấy nhưng người phụ nữ hiện đại đã đứng lên bảo vệ cuộc sống của mình, đấu tranh vì lợi ích chính đáng, tham gia nhiệt tình vào các hoạt động xã hội, đóng vai trò là những nhân tố quan trọng trong công cuộc giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước.