Soạn, phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.
Mục lục
- Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
- Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
- Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh
- Giới thiệu về Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
- Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Mời các em học sinh cùng tham khảo bài soạn và hướng dẫn phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh dưới đây của trangtailieu.com. Chúc các em học tập tốt và có thể đạt được số điểm cao trong bài thi sắp tới, cũng như nắm được những ý quan trọng trong bài viết.
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.
Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Bố cục:
+ – Phần 1 (từ đầu đến “lũ bán nước và lũ cướp nước”): Khẳng định tinh thần yêu nước và truyền thống quý báu của dân tộc.
+ – Phần 2 (tiếp theo đến “lòng nống nàn yêu nước”): Tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong quá khứ và hiện tại.
+ – Phần 3 (đoạn còn lại): Phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc trong thực tế là nhiệm vụ quan trọng.
Trả lời câu hỏi giữa bài
Câu 1 (trang 26 sgk ngữ văn 7 tập 2)
Bài văn này nghị luận về vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
– Luận điểm: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”
Câu 2 (trang 26 sgk ngữ văn 7 tập 2)
Bài văn có bố cục 3 phần:
– Phần 1 ( từ đầu đến lũ bán nước và cướp nước): Tinh thần yêu nước là truyền thống quý báu của nhân dân ta
– Phần 2 (tiếp đến lòng nồng nàn yêu nước): Lòng yêu nước trong lịch sử và trong cuộc kháng chiến hiện tại
– Phần 3 (còn lại): Nhiệm vụ phát huy tinh thần yêu nước trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.
Câu 3 (trang 38 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Chỉ ra lí lẽ và bằng chứng trong phần 2.
Trả lời
Lí lẽ và bằng chứng trong phần 2:
Lí lẽ | Bằng chứng |
– Lịch sử có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân- Đồng bào ngày nay cũng rất yêu nước | – Bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… – Các cụ già, em nhỏ, dân miền ngược miền xuôi…ai cũng yêu nước ghét giặc…. Bộ đội bám giặc, hậu phương nhịn đói để phần tiền tuyến; công nhân tăng gia sản xuất… |
Câu 4 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Nội dung của phần 3 là gì?
Trả lời
– Nội dung của phần 3 là: Giải thích rõ khái niệm và kêu gọi mọi người tuyên truyền, hành động yêu nước.
Trả lời câu hỏi cuối bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Câu 1 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta viết về vấn đề gì? Câu văn nào ở phần 1 khái quát được nội dung vấn đề nghị luận trong bài?
Trả lời
– Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta viết về vấn đề: lòng yêu nước của nhân dân.
– Câu văn ở phần 1 khái quát được nội dung vấn đề nghị luận trong bài: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
Câu 2 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Xác định nội dung chính của từng phần trong văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Trả lời
Nội dung chính của từng phần trong văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta:
+ Phần 1: Mở bài: giới thiệu được vấn đề: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
+ Phần 2: Thân bài: làm rõ vấn đề qua các luận cứ và luận chứng
+ Phần 3: Kết bài: khái quát lại vấn đề và kêu gọi mọi người hành động
Câu 3 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hãy dẫn ra một số ví dụ về ý kiến, lí lẽ và các bằng chứng được tác giả nêu lên trong văn bản; tham khảo mẫu sau:
Ý kiến | |
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. | |
Lí lẽ | Bằng chứng (dẫn chứng) |
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. | Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… |
Trả lời
Ý kiến | |
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. | |
Lí lẽ | Bằng chứng (dẫn chứng) |
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. | Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… |
Đồng bào ngày nay cũng rất yêu nước | – Các cụ già, em nhỏ, dân miền ngược miền xuôi…ai cũng yêu nước ghét giặc…. – Bộ đội bám giặc, hậu phương nhịn đói để phần tiền tuyến;- Công nhân tăng gia sản xuất… |
Câu 4 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Đọc phần 2 và cho biết:
a) Các dẫn chứng trong phần này được sắp xếp theo trình tự nào?
b) Mô hình liệt kê theo mẫu câu: “Từ… đến…” đã giúp tác giả thể hiện được điều gì?
Trả lời
a) Các dẫn chứng trong phần này được sắp xếp theo trình tự: từ xa xưa đến gần (Bà Trưng- Bà Triệu- Lê Lợi – Quang Trung..), từ cao xuống thấp (cụ già- em nhỏ)…
b) Mô hình liệt kê theo mẫu câu: “Từ… đến…” đã giúp tác giả khái quát được lòng yêu nước ghét giặc của tất cả các đối tượng, các ngành nghề, lĩnh vực, từ xưa đến nay, từ xa tới gần, cao xuống thấp.
Câu 5 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Theo em, mục đích của văn bản này là gì? Các lí lẽ, bằng chứng đã làm sáng tỏ mục đích ấy như thế nào?
Trả lời
– Theo em, mục đích của văn bản này là: khẳng định truyền thống yêu nước của nhân dân, mong muốn mọi người kêu gọi và phát huy hơn nữa truyền thống ấy.
– Các lí lẽ, bằng chứng đã làm sáng tỏ mục đích ấy: đưa ra những biểu hiện, bằng chứng cụ thể, tiêu biểu xác thực khiến người đọc người nghe tin tưởng qua đó mục đích dễ dàng đạt được.
Câu 6 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Qua văn bản này, em học được gì về cách viết bài văn nghị luận một vấn đề xã hội (lựa chọn vấn đề nghị luận, bố cục bài viết, lựa chọn và nêu bằng chứng, diễn đạt,…)?
Trả lời
Qua văn bản này, em học được gì về cách viết bài văn nghị luận một vấn đề xã hội:
– Lựa chọn vấn đề: Có tính thời sự và ý nghĩa
– Bố cục bài viết: đảm bảo 3 phần, mở bài thân bài và kết bài.
– Lựa chọn và nêu bằng chứng: lựa chọn bằng chứng tiêu biểu, xác thực và nhiều người biết đến.
– Diễn đạt: lời văn ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.
Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh
Vài nét về tiểu sử
– Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 2.9.1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam.
– Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
– Gia đình: Thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho yêu nước có tư tưởng tiến bộ có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Người. Thân mẫu của Người là bà Hoàng Thị Loan.
– Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau: Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc… Tên gọi “Hồ Chí Minh” được sử dụng lần đầu tiên trong hoàn cảnh: Ngày 13 tháng 8 năm 1942, khi Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội Quốc tế Phản Xâm lược Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Hoa Dân Quốc.
– Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn được biết đến với tư cách là một nhà văn nhà thơ lớn.
– Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thể giới.
Sự nghiệp văn học
a. Quan điểm sáng tác
– Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như chiến sĩ ngoài mặt trận.
– Bác luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.
– Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn tự đặt câu hỏi:
- Viết cho ai? (Đối tượng)
- Viết để làm gì? (Mục đích)
- Viết cái gì? (Nội dung)
- Viết thế nào? (Hình thức)
b. Di sản văn học
b.1. Văn chính luận
– Từ những thập niên đầu thế kỉ XX, các bài văn chính luận mang bút danh Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp đăng trên các tờ báo: Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền… thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ.
– Một số văn bản như Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… được viết trong giờ phút lịch sử của dân tộc.
b.2. Truyện và kí hiện đại
– Một số truyện kí viết bằng tiếng Pháp: Pa-ri (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923)…
– Những tác phẩm này đều nhằm tố cáo tội ác dã mạn, bản chất xảo trá của bọn thực dân phong kiến và tay sai…
b.3. Thơ ca
– Tên tuổi của nhà thơ Hồ Chí Minh gắn với tập Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù).
– Ngoài ra, Người còn một số chùm thơ viết ở Việt Bắc (1941 – 1945): Tức cảnh Pác Bó, Thướng sơn, Đối nguyệt…
Phong cách nghệ thuật
– Văn chính luận: ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính luận chiến, kết hợp nhuần nhuyễn mạch luận lí với mạch cảm xúc, giọng điệu uyển chuyển.
– Truyện và kí hiện đại, giàu tính chiến đấu, nghệ thuật trào phúng sắc bén, nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay.
– Thơ ca: Thơ tuyên truyền cách mạng mộc mạc, giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc; Thơ nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển với yếu tố hiện đại, cô đọng, súc tích.
=> Trong văn chính luận, truyện, kí hay thơ ca, phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh hết sức phong phú, đa dạng mà thống nhất.
Giới thiệu về Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Xuất xứ
– Bài văn trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay).
– Tên bài do người soạn sách đặt.
Bố cục
Gồm 3 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “ tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước ”: Nhận định chung về lòng yêu nước
- Phần 2. Tiếp theo đến “ một dân tộc anh hùng ”. Chứng minh tinh thần yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
- Phần 3. Còn lại. Phát huy tinh thần yêu nước trong mọi công việc kháng chiến.
Tóm tắt
Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Từ xưa đến này, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng là tinh thần ấy lại kết thành một làn sóng mạnh mẽ. Lịch sử dân tộc đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… Ngày này, đồng bào ta cũng xứng đáng với tổ tiên ngày trước. Từ các cụ già đến trẻ nhỏ, từ kiều bào nước ngoài đến đồng bào bị tạm chiếm đều chung một lòng yêu nước ghét giặc. Tinh thần yêu nước giống như các thứ của quý, mà bổn phận của nhân dân là phải làm cho tinh thần ấy đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Nội dung
Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.
Nghệ thuật
Bố cục chặt chẽ, luận điểm ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, dẫn chứng được chọn lọc, trình bày hợp lý, giàu sức thuyết phục, cách diễn đạt trong sáng, nhiều hình ảnh so sánh độc đáo.
Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Dàn ý phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
Dàn ý phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Mẫu 1
(1) Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Hồ Chí Minh.
(2) Thân bài
a. Nhận định chung về lòng yêu nước
– Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, nồng nàn, chân thành và luôn sục sôi.
– Tinh thần yêu nước ấy kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nõ lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước.
=> Gợi sức mạnh và khí thế mạnh mẽ của lòng yêu nước.
b. Những biểu hiện của lòng yêu nước
– Trong lịch sử, có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…
– Lòng yêu nước ngày nay của nhân dân ta:
- Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc.
- Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc.
- Những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội.
- Những phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải.
- Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất.
- Những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ….
=> Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ lòng yêu nước.
c. Nhiệm vụ của nhân dân
– Phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
=> Cần phải thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm cụ thể.
(3) Kết bài
Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”.
Dàn ý phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Mẫu 2
1. Mở đoạn
Giới thiệu lòng yêu nước: Lòng yêu nước mà một truyền thống vô cùng cao đẹp của bao thế hệ người Việt Nam.
2. Thân đoạn
* Giải thích lòng yêu nước
– Lòng yêu nước: là lòng yêu tổ quốc mà cụ thể là yêu gia đình, làng xóm, quê hương được thể hiện bằng những hành động và việc làm cụ thể góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước.
– Đây là một truyền thống quý báu, là tình cảm thiêng liêng và cao đẹp của nhân dân ta.
* Biểu hiện của lòng yêu nước
– Giai đoạn chiến tranh, giành độc lập:
+ Thời phong kiến, bao cuộc khởi nghĩa nổ ra nhằm thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc.
+ Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc, tinh thần yêu nước cũng thể hiện bằng bao sự hy sinh của đồng bào không phân biệt địa vị, giới tính, vùng miền,…
+ Tình yêu nước giai đoạn này hết sức mạnh mẽ, bằng một con đường chung nhất: đấu tranh giải phóng dân tộc.
+ Tấm gương tiêu biểu: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, những người mẹ Việt Nam anh hùng,…
– Giai đoạn hòa bình, phát triển đất nước:
+ Khi mới giành được độc lập, lòng yêu nước biểu hiện thành tinh thần xây dựng, kiến thiết đất nước buổi đầu.
+ Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì đó là sự vươn tầm thế giới khẳng định hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới.
+ Tình yêu nước thời kỳ mới được tiến hành đa dạng và bằng nhiều cách thức hơn, có thể là một người nông dân đưa lúa gạo đi xuất khẩu, là anh chiến sĩ hải đảo giữ vững chủ quyền ngoài biển khơi, là doanh nhân đưa thương hiệu Việt tới bạn bè năm châu.
+ Tấm gương: Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, thiếu tá Vi Văn Nhất hy sinh khi đánh án ma túy hay các học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc tế,…
* Vai trò của lòng yêu nước
– Là chìa khóa vạn năng có thể đưa đất nước vượt qua mọi gian nan thử thách.
– Là dòng sữa ngọt mát nuôi dưỡng bao tâm hồn những người con đất Việt.
– Là bệ đỡ vững chắc cho mọi thành công sau này của thế hệ người Việt Nam.
– Là nguồn cảm hứng bất tận đi vào biết bao trang văn trang thơ, nói chí tỏ lòng, diễn tả bất tận mọi cung bậc tình cảm của lòng yêu nước.
– Khiến con người ta sống có trách nhiệm hơn với gia đình quê hương đất nước.
* Trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay
– Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: giúp đỡ mọi người, tìm hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc, nỗ lực tiếp thu tri thức nhân loại,…
– Lòng yêu nước còn thể hiện ở việc bản thân mỗi cá nhân cố gắng hoàn thành mục tiêu tốt đẹp của bản thân. Khi mỗi cá nhân phát triển, tức là cả cộng đồng cùng phát triển,…
– Yêu cảnh sắc quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn, yêu thương giúp đỡ bạn bè,…
3. Kết đoạn
Khẳng định giá trị của lòng yêu nước và trách nhiệm bản thân đối với đất nước.
Top 5 bài phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta chọn lọc
Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Mẫu 1
Khi lật từng trang sử vàng của dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy nhiều hình ảnh đáng tự hào. Qua dòng thời gian, trong thời gian mà đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh, người dân đã từng chút một chiến đấu để đạt được độc lập cho dân tộc. Từ thời phong kiến, khi quân thù còn phải bị đuổi ra khỏi biên giới bằng cây gươm và cây giáo, đến thời kỳ kháng chiến chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả dân tộc đã đứng lên để chiến đấu, như lời dặn của Bác Hồ: “Đồng bào ta gái cũng như trai, trẻ cũng như già cho đến các cháu nhi đồng cỏn con, ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng có gan giết giặc”. Tình yêu nước khi ấy được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất là bằng con đường chung nhất: giải phóng dân tộc. Thầy giáo mù Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, và những người mẹ Việt Nam anh hùng trong hậu cung là tấm gương sáng cho giai đoạn này. Trong thời bình, tình yêu nước được thể hiện một cách đa dạng hơn, với mục tiêu đưa đất nước vươn tầm thế giới và khẳng định hai tiếng Việt Nam trên bản đồ châu lục. Tất cả mọi công dân đều có thể đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, từ người nông dân xuất khẩu lúa gạo đến chiến sĩ hải quân bảo vệ chủ quyền trên biển khơi, hoặc những doanh nhân tài ba đưa thương hiệu Việt Nam đến khắp năm châu. Ngoài ra, cũng cần phải sẻ chia và giúp đỡ những người có cuộc sống khó khăn như trẻ em bị bỏ rơi, người già neo đơn hoặc bị bỏ quên. Tuy nhiên, bên cạnh những người yêu nước, còn có những kẻ cố ý chống lại đất nước. Tất nhiên, tinh thần yêu nước không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả xã hội. Chính phủ và các tổ chức xã hội cũng cần phải đóng góp để nâng cao ý thức yêu nước cho người dân. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc giáo dục truyền thông, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết và yêu nước. Tuy nhiên, để xây dựng một xã hội yêu nước thì không chỉ đơn thuần là đòi hỏi người dân phải yêu nước mà còn cần phải đảm bảo cho họ có một môi trường sống tốt đẹp, công bằng và an toàn. Chính phủ cần phải đảm bảo cho mọi công dân được sống trong một môi trường lành mạnh, được tiếp cận với giáo dục và cơ hội phát triển bình đẳng. Ngoài ra, việc đảm bảo an ninh quốc gia và đối ngoại vững mạnh cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng yêu nước. Chính phủ cần phải đưa ra những chính sách và biện pháp thích hợp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phát triển kinh tế và tăng cường quan hệ đối ngoại. Tóm lại, tinh thần yêu nước là yếu tố cần thiết để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là một trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội và cũng là trách nhiệm của cả chính phủ và các tổ chức xã hội. Chỉ khi mỗi người dân đều có tinh thần yêu nước thì xã hội mới có thể phát triển và thịnh vượng.
Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Mẫu 2
Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.
Mở đầu bài viết, Hồ Chí Minh đã nêu ra nhận định chung về tinh thần yêu nước: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy được phát huy một cách mạnh mẽ”. Cùng với đó, Bác đã sử dụng hình ảnh giàu tính biểu tượng: “Tinh thần yêu nước ấy kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nõ lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Các động từ mạnh như “lướt qua, nhấn chìm” và biện pháp tu từ so sánh “tinh thần yêu nước” với “một làn sóng” cho thấy sức mạnh và khí thế của lòng yêu nước.
Tiếp đến, Bác đã chứng minh truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam qua những biểu hiện cụ thể. Những dẫn chứng được Bác đưa ra từ quá khứ đến hiện tại, vừa sinh động lại vừa bao quát. Trong lịch sử, có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Bác liệt kê các vị anh hùng tiêu biểu trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, để từ đó nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ công lao, ơn nghĩa đó. Cách chuyển đoạn sau đó “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” đã thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người viết. Bác tiếp tục đưa ra các dẫn chứng: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến nhân dân miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Ở đây, Bác đã sử dụng biện pháp tu từ liệt kê kết hợp với mô hình liên kết “từ… đến” nhằm làm tăng hiệu quả cho sự diễn đạt. Tinh thần yêu nước giống như làn sóng nối tiếp nhau, lớp sau mạnh mẽ hơn lớp trước.
Cuối cùng, Bác khẳng định nhiệm vụ của nhân dân ngày hôm nay đó là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến. Cách so sánh “ Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm” giàu giá trị biểu cảm. Tinh thần yêu nước là “một món đồ quý giá”, cần được bảo vệ, giữ gìn và phát huy.
Bài viết “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” giàu tính thuyết phục. Như vậy, tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, rất cần được giữ gìn và phát huy.
Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Mẫu 3
Lòng yêu nước là một trong những giá trị quý báu của dân tộc Việt Nam, biểu thị tình cảm yêu thương và trách nhiệm bảo vệ đất nước của mỗi người. Với người Việt, “lòng yêu nước” đã trở thành một lẽ đương nhiên vì truyền thống yêu thương, tình người, đoàn kết và biết ơn. Đây là một giá trị được thể hiện rõ qua những hình ảnh anh hùng của dân tộc Việt Nam, như những chiến sĩ can trường, nông dân dũng cảm, đã hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Ngoài ra tinh thần yêu nước còn được thể hiện trong việc đóng góp tri thức, tài chính để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, một số người không thực sự hiểu và trân trọng giá trị của lòng yêu nước. Điều này được thể hiện qua những hành động phản động, ích kỷ, thiếu trách nhiệm và thậm chí tuyên truyền phản động nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối với những hành động đó, chúng ta cần có thái độ quyết liệt để ngăn chặn và đưa ra biện pháp khắc chế kịp thời để không ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Các thành tựu khoa học công nghệ, giáo dục, và những chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước giặc ngoại xâm đều chứng minh ý nghĩa của “lòng yêu nước” trong việc bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, chúng ta cần duy trì và truyền lại giá trị này cho các thế hệ sau để họ có thể tiếp tục phát triển đất nước và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh, giàu đẹp và phát triển.
Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Mẫu 4
Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.
Mở đầu bài viết, Bác Hồ đã đưa ra một lời nhận định, cũng là luận điểm của toàn văn bản: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy được phát huy một cách mạnh mẽ”. Đó chính là lời khẳng định về truyền thống yêu nước tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Bác đã sử dụng hàng loạt các động từ mạnh như “lướt qua, nhấn chìm” cùng với hình ảnh so sánh “tinh thần yêu nước như một làn sóng mạnh mẽ” nhằm g ợi sức mạnh và khí thế mạnh mẽ của lòng yêu nước.
Những câu văn tiếp theo, Bác đã chứng minh cho luận điểm của mình bằng những dẫn chứng cụ thể. Bề dày của truyền thống yêu nước được thể hiện từ trong quá khứ đến hiện tại. Nếu trong quá khứ, ở bất cứ triều đại nào cũng có những bậc anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… đứng lên lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập. Thì ở hiện đại, Hồ Chí Minh tập trung chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cách chuyển đoạn “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” thật khéo léo. Và dẫn chứng thì hoàn toàn thuyết phục: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến nhân dân miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Việc sử dụng biện pháp tu từ liệt kê kết hợp với mô hình liên kết “từ… đến” nhằm làm tăng hiệu quả cho sự diễn đạt. Tinh thần yêu nước tồn tại trong mỗi người dân Việt Nam – không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp, giới tính.
Cuối văn bản, Bác khẳng định tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. và nhiệm vụ của mỗi người là cần phải giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Cách lập luận của Hồ Chí Minh hoàn toàn thuyết phục.
Bài viết “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” giàu giá trị, đồng thời góp phần thể hiện được phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh.
Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Mẫu 5
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng, mà còn là một nhà văn, nhà thơ. Các tác phẩm của Bác đã để lại những giá trị to lớn cả về nội dung và nghệ thuật. Trong đó có bài viết “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”.
“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” được trích trong “Báo cáo Chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Qua đoạn trích này, tác giả đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”
Phần mở đầu của bài viết, Bác đã đưa ra nhận định chung về tinh thần yêu nước. Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, nồng nàn, chân thành và luôn sục sôi. Việc sử dụng động từ mạnh “lướt qua, nhấn chìm” kết hợp với so sánh “tinh thần yêu nước” với “một làn sóng” cho thấy sức mạnh và khí thế mạnh mẽ của lòng yêu nước.
Tiếp đến, Bác tập trung chứng minh về truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Trong lịch sử, có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Mỗi nhân vật lịch sử đều gắn với những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều đó càng làm tăng sự thuyết phục cho bài viết.
Nhưng không chỉ dừng lại ở quá khứ, Bác tiếp tục nêu ra những dẫn chứng ở hiện tại. Câu chuyển tiếp “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” đầy khéo léo, đã cho thấy sự chuyển tiếp của tinh thần yêu nước giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Và lòng yêu nước của nhân dân ta ngày hôm nay được thể hiện qua từng thế hệ. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc. Cả những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội. Những phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải. Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất. Những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ… Tinh thần yêu nước dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phân biệt tuổi tác, giới tính, giai cấp, nghề nghiệp. Chỉ cần là người dân Việt Nam thì đều mang trong mình một tấm lòng yêu nước. Sau khi đưa ra dẫn chứng, Bác đã đánh giá lại: “Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.
Ở đoạn cuối cùng, Bác đã đặt ra nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam. Qua hình ảnh so sánh: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Bác đã khiến tinh thần yêu nước vốn trừu tượng, nay trở nên hữu hình. Và từ đó Người yêu cầu mỗi người dân Việt Nam phải “làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”. Hiểu đơn giản, nhiệm vụ của mỗi người là phải giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước đó bằng hành động cụ thể.
Thế hệ trẻ hôm nay đã phát huy tinh thần yêu nước đó bằng hành động cụ thể. Nhiều thanh niên tài năng với những phát minh khoa học được thế giới công nhận lại nguyện trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp. Nhiều sinh viên vừa mới tốt nghiệp, tình nguyện trở về quê hương – những vùng miền núi xa xôi… Nhưng bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận quên đi nguồn cội của mình. Họ rời bỏ quê hương hoặc thậm chí là tìm cách chống phá đất nước (để lộ bí mật quốc gia, hiện tượng chảy máu chất xám…). Đó là những hành vi đáng lên án, cần phải tránh xa.
Như vậy, bài viết “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” đã cho người đọc thấy được tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Đó là một truyền thống tốt đẹp đã được chứng minh trong quá khứ cũng như ở hiện tại.
Trên đây Trang Tài Liệu đã giới thiệu tới các em 3 bài Văn mẫu lớp 7: Viết đoạn văn về lòng yêu nước chọn lọc hay nhất. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các em nắm được cách làm cũng như có thêm nhiều ý tưởng cho bài viết của mình, từ đó đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra định kì. Chúc các em học tập tốt.