Docly

Lá lành đùm lá rách là gì? Những bài văn nghị luận hay về câu tục ngữ này

Để có một đất nước phát triển như ngày hôm nay, không thể nào thiếu được tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái. Ông cha ta ngày xưa cũng cho ra đời không ít các câu tục ngữ thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa đồng bào với nhau. Và lá lành đùm lá rách chính là một trong những câu tục ngữ đó. Hãy cùng Trang Tài Liệu tìm hiểu xem lá lành đùm lá rách là gì thông qua nội dung bài viết dưới đây.

Giải nghĩa lá lành đùm lá rách

Lá lành đùm lá rách nghĩa là gì? Nghĩa đen: lá lành là những chiếc lá lành lặn. Lá rách là những chiếc lá có nhiều vết rách. Lá lành đùm lá rách là những chiếc lá lành lặn đùm bọc những chiếc lá rách bên trong mình. Đùm bọc để tránh những cơn gió hay những sự nguy hiểm.

Nghĩa bóng: Lá lành tượng trưng cho những người có cuộc sống khá giả, đầy đủ. Và ngược lại lá rách là được hiểu là những hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ. Có thể hiểu là những người có hoàn cảnh tốt hơn phải biết yêu thương, tương trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Lá lành đùm lá rách nghĩa là gì?

Như vậy, ý nghĩa của câu “Lá lành đùm lá rách” là khuyên nhủ con người cần biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Hay chính là một phép ẩn dụ tượng trưng cho nét đẹp của đồng bào ta: những người có điều kiện giúp đỡ những người nghèo khó.

Ý nghĩa của lá lành đùm lá rách

+ Đây là lời khuyên của ông cha ta, rằng hãy có một lối sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Có thể nói đây chính là một trong những phẩm chất quý giá của người Việt Nam nên được gìn giữ và phát huy.

+ Đây là một hành động đẹp. Chính từ hành động này xây dựng nên một xã hội tốt đẹp. Con người luôn giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Bên cạnh một xã hội phát triển thì xã hội cũng ngày trở nên văn minh và phát triển hơn

+ Hành động này xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với nhau. Kết quả đổi lại đối với hành động này chính là sự tin tưởng, quý mến và tôn trọng của người xung quanh. Hơn nữa, sẽ không phải trải qua cảm giác áy náy, khó chịu khi không giúp đỡ người khác.

+ Khi ta cho đi yêu thương cũng sẽ nhận lại được sự yêu thương. Khi chúng ta giúp đỡ người khác lúc khó khăn thì khi chúng ta gặp khó khăn cũng nhận lại sự giúp đỡ. Bởi lẽ, không ai dám chắc rằng cuộc sống sẽ mãi tốt đẹp và yên bình.

Làm thế nào để rèn luyện lối sống lá lành đùm lá rách?

+ Để thực hiện những hành động đẹp thì người đó phải là người có đạo đức. Chính vì vậy, phải không ngừng rèn luyện đạo đức, phẩm chất cá nhân, lối sống cao đẹp.

+ Đối với những hoàn cảnh khó khăn thì luôn sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của bản thân. Thực hiện sự giúp đỡ bằng các hành động cụ thể.

+ Tinh thân tương thân tương ái nên được lan rộng đến khắp mọi người ở mọi miền đất nước. Chúng ta có thể thực hiện bằng cách kêu gọi giúp đỡ những cảnh ngộ khó khăn.

Biểu hiện của lá lành đùm lá rách

Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất chính là trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ trong quá khứ. Trong các trận này, ông cha ta chính nhờ tinh thần lá lành đùm lá rách mà có thể giành được chiến thắng. Có thể thấy rằng, điều ấy rất quan trọng. Chính vì vậy, tinh thần ấy nên được lan tỏa và tuyên truyền.

Bên cạnh đó, lá lành đùm lá rách còn được thể hiện qua các chính sách của nhà nước. Bằng cách mỗi năm đều có các đợt quyên góp những đồ dùng cho vùng sâu vùng xa. Hoặc có những chính sách hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Sự đùm bọc này còn được thể hiện ở trường, lớp. Cụ thể là các học sinh, sinh viên luôn tổ chức các đợt quyên góp sách vở. Không những vậy, họ còn lên các dự án để lan tỏa, tuyên truyền tinh thần tương thân tương ái này đến cho mọi người

Hoặc biểu hiện của lá lành đùm lá rách còn xuất hiện ở các chương trình như vượt lên chính mình, lục lạc vàng,… để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Tuy nhiên, hiện nay có một thực trạng đáng lo ngại đó là trong cuộc sống vẫn còn nhiều người ích kỉ, vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Họ thường mặc kệ những đau khổ, bất hạnh mà người khác đang phải trải qua,… những cá nhân cùng với hành vi đáng bị lên án.

Bài học sau khi tìm hiểu Lá lành đùm lá rách nghĩa là gì?

Thành ngữ như đang khuyên chúng ta không nên chê bài, khinh thường những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện giúp đỡ. Đó mới là một điều tốt đẹp. Và lá lành đùm lá rách là một hành động rất cần thiết trong xã hội hiện nay.

Bên cạnh việc ca ngợi tinh thần tương thân tương ái, thành ngữ còn phê phán những con người sống vô cảm, ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình. Đặc biệt là những người bất chấp tình đồng bào mà giẫm đạp lên để thu lợi về bản thân.

Một số thành ngữ cùng nghĩa với lá lành đùm lá rách

+ Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

+ Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng

+ Thương người như thể thương thân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần

Chứng minh câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Lập dàn ý

a. Mở bài:

Giới thiệu về câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.

b. Thân bài:

– Giải thích:

+ Lá lành: những chiếc lá nguyên vẹn → Chỉ những người có cơ thể đầy đủ, có hoàn cảnh sống đủ đầy, không gặp thiếu thốn hay bất hạnh

+ Lá rách: những chiếc lá đã bị tổn thương, không còn nguyên vẹn → Chỉ những người có cuộc sống khó khăn, bất hạnh, gặp phải nguy nan

→ Câu tục ngữ khuyên nhủ chúng ta nên biết quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp điều không may trong cuộc sống

– Vì sao cần phải quan tâm giúp đỡ người khác?

+ Vì có những người khi sinh ra đã kém may mắn hơn người khác, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, thể xác… cần được giúp đỡ, chia sẻ

+ Có những người trong cuộc sống không may gặp điều xui xẻo, cũng rất cần được hỗ trợ, sẻ chia

+ Có những người đôi khi chỉ là có những lúc buồn bã, cảm thấy trống vắng, thiếu thốn và chênh vênh cần được tâm sự, giãi bày

→ Ai cũng có lúc yếu lòng, khó khăn cần được giúp đỡ, nên hãy chia sẻ với người khác khi họ cần đến chúng ta

– Ý nghĩa của việc quan tâm, giúp đỡ người khác:

+ Giúp những người đang gặp khó khăn, mệt mỏi được giúp đỡ vượt qua giờ phút nguy khốn

+ Giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi đã làm được việc tốt

+ Giúp chúng ta trở thành người được mọi người yêu quý, kính trọng Giúp cộng đồng trở nên đoàn kết và hạnh phúc hơn

– Mở rộng vấn đề:

+ Trong cuộc sống còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, có cuộc sống khó khăn: Những đứa trẻ nghèo khổ không được học hành, những người già cả vất vả mưu sinh, những người phải gánh chịu thiên tai bão lũ… 

+ Chúng ta là những con người may mắn có cuộc đời hạnh phúc, cần có tấm lòng bao dung, nhân hậu, yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ những phận đời cơ cực ấy bằng những khả năng mà chúng ta có.

+ Tránh đi những thái độ, dè bỉu coi khinh, xa lánh những người mang phận “lá rách”, thay vào đó chúng ta phải biết thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia góp phần làm cho xã hội ngày một tươi sáng hơn, khiến cho những con người cùng khổ có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu trong cuộc sống.

+ Phê phán những người sống vô cảm, không biết quan tâm, giúp đỡ người khác; Phê phán những người lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi cho bản thân 

+ Khi giúp đỡ người khác chúng ta sẽ có được niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn, khiến cho trái tim chúng ta trở nên tươi sáng và yêu đời hơn.

+ Nêu một số hành động thể hiện cho câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

– Liên hệ bản thân:

+ Em đã từng được ai giúp đỡ khi gặp khó khăn? Cảm xúc của em khi đó?

+ Em đã từng giúp đỡ ai chưa? Vì sao em lại làm như vậy? Em đã từng khuyên nhủ, nhắn nhủ bài học Lá lành đùm lá rách cho ai quanh mình chưa?

c. Kết bài:

Suy nghĩ, đánh giá của em về tính đúng đắn của câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Chứng minh câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”

Dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay vẫn nổi tiếng với nhiều truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện nền văn hiến ngàn đời bền vững của nhân dân ta. Không chỉ đơn thuần thể hiện trong nền nếp sinh hoạt của người dân Việt mà các truyền thống, tinh hoa tốt đẹp còn được đúc kết trong các câu tục ngữ, thành ngữ, trong các tác phẩm văn học dân gian như một món ăn tinh thần, với ý nghĩa lưu giữ và răn dạy các thế hệ đi sau phải biết kế thừa và phát huy. Một trong những truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc ta phải kể đến truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, được thể hiện rất rõ trong câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Nói về hình tượng “Lá lành đùm lá rách” có lẽ xuất phát từ câu chuyện gói bánh của dân tộc ta, khi người ta gói bánh chưng thường bằng bốn lớp lá, lớp này chồng lớp khác, có đôi khi trong một phút sơ sẩy người gói bánh vô tình làm rách lá, thì họ sẽ lót tấm lá ấy ở trong cùng rồi mới bọc các lớp lá lành khác ở bên ngoài. Sở dĩ làm vậy là để chiếc bánh có hình thù đẹp đẽ, đồng thời khi luộc bánh không bị vỡ, nứt. Khi áp dụng vào đời sống, thì dễ mường tượng rằng chiếc là lành tức là những con người có cuộc sống ấm êm, hoàn chỉnh, có của cải, cơm no áo ấm, Còn trái lại chiếc lá rách là tượng trưng cho những kiếp người tạm bợ, nghèo khó, thiếu thốn điều kiện vật chất, tinh thần, đôi lúc là ở trạng thái, rách nát tàn tạ, vô cùng khó khăn, khốn khổ. Như vậy tổng thể kết hợp giữa hai lớp nghĩa trên ta có thể hiểu rằng câu tục ngữ muốn khuyên răn con người phải có tinh thần đoàn kết, biết đưa tay giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đáng thương. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người, đồng thời cũng là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay.

Trong câu tục ngữ này nghĩa đen đơn thuần của nó là nói về chiếc lá lành đùm chiếc lá rách, những chiếc lá to đùm bọc chiếc lá nhỏ, nghĩa đen mang ý nghĩa hiện lên trên bề mặt ngôn từ nhưng ý nghĩa ẩn chứa của nó bên trong câu nói này lại mang những ý nghĩa sâu sắc và sự giáo dục con người một cách mạnh mẽ. Từ xưa đến nay truyền thống này đã được phát huy và ngày càng được củng cố trong đời sống xã hội. Lòng tương thân tương ái giúp đỡ những con người có số phận khó khăn bất hạnh là tấm lòng cao cả và đáng được khen ngợi nhất. Mỗi người chúng ta đã và đang hiểu những điều đó qua cuộc sống và đời sống của mỗi người. Những con người luôn luôn biết yêu thương và chia sẻ đồng cảm với tất cả con người.

Trong cuộc sống ai cũng muốn có một cuộc sống đầy đủ, no ấm nhưng không phải ai trong số họ cũng đều có được cuộc sống như vậy. Họ phải chật vật kiếm từng bữa cơm qua ngày, họ lo lắng phải chống chọi với nắng, mưa, bão bùng, lo lắng cho cả cuộc sống tương lai của họ, hay cũng có những người ngày ngày lo lắng về căn bệnh luôn rình rập bản thân mình, giành giật giữa sự sống và cái chết, chính vì vậy mà chúng ta phải biết giúp đỡ, giúp họ vượt qua khó khăn mà họ đang phải gánh chịu. Nói về tinh thần đoàn kết, tấm lòng tương sinh tương ái ông cha ta đã có câu:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ xưa đến nay đã được dân tộc ta phát huy và giữ gìn nó trở thành những hình ảnh đẹp và vô cùng cao quý, những hình ảnh mang đậm nét giá trị và những ý nghĩa xã hội sâu sắc. Lòng thương người của con người phải ngày càng được giữ gìn và cần phải có tấm lòng nhân hậu thân ái, giúp đỡ người khác. Mỗi người đều cần phải thể hiện được điều đó qua hành động của mình, lòng thương người và sự đối đãi hợp tình hợp lý giữa con người với nhau, mỗi người cần phải làm được điều đó và nó mới mang một ý nghĩa lý tưởng và giúp đỡ tất cả mọi người.

Mỗi chúng ta khi làm được những điều có ích cho xã hội và giúp đỡ được người khác thì tấm lòng của mình sẽ ngày càng được mở ra và nó cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ của mình với tất cả mọi người. Câu tục ngữ trên đã được trải nghiệm từ xưa đến nay và nó hoàn toàn đúng, sự giúp đỡ và đùm bọc giữa con người và con người sẽ được làm nên những giá trị ý nghĩa và tốt đẹp nhất. Trong đó sự yêu thương giúp đỡ giữa con người với nhau sẽ ngày càng được phát triển mạnh mẽ, và ý nghĩa của nó để lại rất nhiều biểu tượng và tượng trưng cho những lý tưởng và ý nghĩa chung cho tất cả mọi người. Những việc làm có giá trị như việc giúp đỡ người khác, từ những hành động nhỏ nhất như việc đưa người già qua đường, hay dành những đồ dùng của mình quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, một cử chỉ và nghĩa cử cao đẹp tạo nên một ý nghĩa lớn lao cho cả một xã hội.

Tránh đi những thái độ, dè bỉu coi khinh, xa lánh những người mang phận “lá rách”, thay vào đó chúng ta phải biết thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia đấy mới là hành động đẹp, mang tính nhân văn, góp phần làm cho xã hội ngày một tươi sáng hơn, khiến cho những con người cùng khổ có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu trong cuộc sống. Một việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa của nó để lại lại vô cùng to lớn, mỗi người nên dành tình yêu thương của mình cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người có số phận bất hạnh hơn mình, biết yêu thương đùm bọc con người họ sẽ trở thành những con người cao thượng và làm được những điều có giá trị rất lớn lao và để lại cho con người những tình cảm yêu mến nhất. Hạnh phúc của mỗi con người là làm được nhiều ý nghĩa và việc làm có ích cho xã hội chính vì vậy mỗi chúng ta nên làm những điều có ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của mình. Với lòng nhân ái, sự yêu thương của con người với con người tạo nên những tình cảm chân thành và vô cùng đáng quý, mỗi người chúng ta cần tạo nên những điều đó để cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn, cuộc sống sẽ thực sự nở hoa và tràn đầy nhựa sống cho mỗi người.

Lá lành đùm lá rách đã để lại bài học quý giá cho mỗi con người, nó không chỉ để lại những giá trị to lớn cho cuộc sống mà còn lại những tình cảm chân thành và đáng trân trọng nhất. Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều những con người có trái tim nhân hậu, lòng nhân hậu đó luôn luôn được thể hiện qua sự thể hiện sự đồng cảm, cảm thông sâu sắc đến mọi người. Trong xã hội của chúng ta nếu xuất hiện những con người như vậy xã hội này sẽ ngập tràn tình yêu thương và lòng nhân ái, sự trìu mến, đoàn kết vì một xã hội giàu tình yêu thương của con người, sự đoàn kết của một dân tộc giàu truyền thống.

Thật vậy “Lá lành đùm lá rách” là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, giáo dục cho con người lòng yêu thương con người, tinh thần đoàn kết dân tộc, biết sẻ chia giúp đỡ những người gặp khó khăn bất hạnh. Mỗi người chúng ta nên học hỏi và phát huy được truyền thống quý báu của dân tộc để từ đó phát huy mạnh mẽ được giá trị và truyền thống của dân tộc ta, những truyền thống cao cả và cần thiết trong một xã hội hiện đại ngày nay, câu tục ngữ này đã để lại những bài học vô cùng quý giá và cần thiết ở mỗi con người.

Như vậy, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” là một lời răn dạy quý giá của ông cha ta để lại. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể trở thành những con người sống biết yêu thương để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Trên đây là bài văn mẫu chứng minh câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách mà chúng tôi chia sẻ gửi tới quý bạn đọc. Hy vọng bài viết giúp các bạn hiểu rõ hơn khái niệm “Lá lành đùm lá rách”.