Phương pháp thực nghiệm là gì? Các bước tiến hành phương pháp thực nghiệm khoa học
Phương pháp thực nghiệm là gì? Nghiên cứu khoa học đã và đang bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ nhưng dường như bạn lại chưa có cho mình một hình dung về nghiên cứu là gì và cách tiến hành nghiên cứu như thế nào? Cùng tìm hiểu câu trả lời ngay qua bài viết dưới đây của Trang tài liệu nhé!
Mục lục
Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm là gì?
Khái niệm
Phương pháp thực nghiệm khoa học trong nghiên cứu khoa học giáo dục còn gọi là phương pháp thực nghiệm sư phạm.Thực nghiệm sư phạm là phương pháp thu nhận thông tin về sự thay đổi số lượng và chất lượng trong nhận thức và hành vi của các đối tượng giáo dục do nhà khoa học tác động đến chúng bằng một số tác nhân điều khiển và đã được kiểm tra.
Thực nghiệm sư phạm là phương pháp đặc biệt cho phép tác động lên đối tượng nghiên cứu một cách chủ động, can thiệp có ý thức vào quá trình diễn biến tự nhiên để hướng quá trình ấy diễn ra theo mục đích mong muốn của nhà nghiên cứu.
Đặc điểm
– Thực nghiệm khoa học được tiến hành xuất phát từ một giả thuyết hay một phỏng đoán về một hiện tượng giáo dục, để kiểm tra, chứng minh tính chân thực của giả thuyết. Thực nghiệm thành công sẽ góp phần tạo nên một lí thuyết mới.
– Kế hoạch thực nghiệm đòi hỏi phải miêu tả hệ thống các biến số quy định diễn biến của hiện tượng giáo dục theo một chương trình. Đây là những biến số độc lập có thể điều khiển và kiểm ra được.
– Theo mục đích kiểm tra giả thuyết, thực nghiệm được chia thành 2 nhóm: Nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Hai nhóm này được lựa chọn ngẫu nhiên và có trình độ tương đương, thực hiện trong cùng điều kiện môi trường cơ sở vật chất, nội dung dạy, thời gian dạy.
+ Nhóm đối chứng: Không thay đổi bất cứ điều gì
+ Nhóm thực nghiệm: được tổ chức thực nghiệm bằng tác động của những biến số độc lập để xem xét sự diễn biến của hiện tượng có theo giả thuyết không.
Quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học
Tùy theo mức độ chi tiết và quan điểm của mỗi người, quy trình nghiên cứu khoa học có thể được chia ra nhiều bước khác nhau. Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu sẽ được thực hiện theo trình tự các bước chính không thể bỏ qua, bao gồm:
– Bước 1: Lựa chọn đề tài nghiên cứu
– Bước 2: Xác định câu hỏi, giả thuyết và phương pháp nghiên cứu
– Bước 3: Xây dựng đề cương và lập kế hoạch nghiên cứu
– Bước 4: Thu thập dữ liệu và xử lí dữ liệu
– Bước 5: Viết báo cáo kết quả nghiên cứu
Xác định đề tài nghiên cứu
Như vậy, để bắt đầu cho một nghiên cứu, bước đầu tiên cần làm là lựa chọn được đề tài nghiên cứu. Có thể bạn đang đặt câu hỏi: “Làm thế nào để thực hiện điều đó?”. Tôi không biết chọn đề tài nào? Phải nói rằng đây là điều không dễ dàng với sinh viên, đặc biệt với các bạn sinh viên lần đầu làm nghiên cứu khoa học. Vì vậy, chúng mình sẽ mất không ít thời gian để tìm được một đề tài muốn theo đuổi và đây cũng chính là một rào cản nếu chúng mình không tìm ra được.
Thông thường, sinh viên có 2 cách để lựa chọn đề tài. Thứ nhất là tự lựa chọn đề tài nghiên cứu, thứ 2 là được giảng viên hướng dẫn, gợi ý lựa chọn đề tài. Tuy nhiên, để chủ động và nhận được sự đánh giá cao từ giảng viên, chúng mình nên cố gắng tìm đề tài chứ không nên chờ đợi quá nhiều giảng viên hướng dẫn. Hãy lựa chọn lĩnh vực/mảng vấn đề bạn quan tâm; sau đó bắt tay vào “đọc hăng say” để có thêm kiến thức nền về vấn đề mình quan tâm, để biết được tình hình nghiên cứu về vấn đề đó và tìm ra những “khoảng trống” mà bạn có thể phát triển trong nghiên cứu của mình. Sự chủ động tìm tòi, sáng tạo và sự kiên trì chính là trong những yếu tố mà một sinh viên làm NCKH cần có đấy bạn!
Xác định câu hỏi, giả thuyết và phương pháp nghiên cứu
Bạn cần lưu ý để “chốt” được đề tài nghiên cứu ở bước 1, bạn đã phải đọc và nghiên cứu tương đối “đủ” một lượng tài liệu có liên quan đến chủ đề đó. Bước 1 trong quy trình này được tính là hoàn thành khi bạn đã có quyết định khá chắc chắn, sẵn sàng cho các bước tiếp theo; chứ không phải là chỉ “chọn đại” một đề tài nào đó. Điều này đồng nghĩa khi đó bạn đã phải hình dung tương đối rõ ràng về đề tài của mình, thể hiện bằng việc xác định 3 yếu tố này trong bước thứ hai:
– Câu hỏi nghiên cứu là gì?
– Giả thuyết nghiên cứu là gì?
– Phương pháp nghiên cứu sử dụng là phương pháp nào?
Nghiên cứu khoa học có thể được hiểu đơn giản là việc trả lời các câu hỏi đặt ra bằng các phương pháp nghiên cứu khoa học. Do đó, việc đặt ra câu hỏi nghiên cứu đúng và hay là rất quan trọng. Câu hỏi nghiên cứu chính là vấn đề mà người nghiên cứu muốn “khám phá” khi thực hiện công trình nghiên cứu của mình. Trong khi đó, phần luôn đi cùng câu hỏi nghiên cứu chính là những giả thuyết – các câu trả lời phỏng đoán. Cần lưu ý rằng những giả thuyết này được đặt ra dựa trên kết quả của những nghiên cứu trước đó hoặc quan điểm của tác giả, với một số lượng giới hạn và chưa biết là đúng hay sai. Dựa vào những phỏng đoán này, người nghiên cứu sẽ có hướng tìm kiếm để kiểm chứng và đưa ra kết luận trong bước cuối cùng.
Trong bước này, phương pháp nghiên cứu cũng cần được người nghiên cứu làm rõ, bởi tùy thuộc vào câu hỏi nghiên cứu và những điều kiện khách quan thì phương pháp nghiên cứu sử dụng sẽ khác nhau.
Xây dựng đề cương và lập kế hoạch nghiên cứu
Thực tế, khi tác giả đã chốt được đề tài nghiên cứu chính thức (theo yêu cầu đã đề cập ở trên) thì những bước tiếp theo sẽ “bon bon” theo. Tại bước này, người nghiên cứu sẽ viết bản đề cương nghiên cứu nhằm phác thảo các nội dung chính có trong công trình nghiên cứu của mình. Đây sẽ là văn bản mà nhóm nghiên cứu gửi cho giảng viên nhận xét và góp ý, nhằm giúp nhóm có một khung nội dung hoàn chỉnh nhất trước khi bắt tay thực hiện tiếp (đối với người học) hoặc gửi cho các đơn vị thẩm định (để xin tài trợ nghiên cứu). Bên cạnh đó, một kế hoạch nghiên cứu gắn các tiến trình thực hiện với mốc thời gian cụ thể cũng sẽ được lập ra để giúp nhóm nghiên cứu dự kiến tiến độ thực hiện theo thời gian yêu cầu.
Cần lưu ý rằng trong thời gian thực hiện các bước này và cả sau đó, hoạt động đọc các tài liệu vẫn nên tiếp tục thực hiện để tác giả tiếp tục đào sâu và có thêm những kiến thức, phát hiện mới liên quan đến đề tài nghiên cứu. Điều này sẽ rất hữu ích khi nhóm tiến hành viết cơ sở lí luận cũng như thực hiện các bước tiếp theo.
Thu thập, xử lí và phân tích dữ liệu
Một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động nghiên cứu chính là thu thập, xử lí và phân tích dữ liệu. Cần chú ý, dù bước này được thực hiện sau các bước trên, tuy nhiên người nghiên cứu cần xác định trước các vấn đề liên quan đến bước này ngay từ đầu để thẩm định xem có khả thi để thực hiện hay không.
Ví dụ như loại dữ liệu cần là loại gì (định tính hay định lượng, sơ cấp hay thứ cấp, …), thu thập dữ liệu như thế nào, việc thu thập dữ liệu mong muốn có khả thi hay không, sau khi có dữ liệu thì sẽ được xử lí như thế nào, cách phân tích dữ liệu thu được ra sao, … Đây là những vấn đề cần được dự kiến và làm rõ ngay từ đầu, vì nếu không, đến khi đã tiến hành thực hiện mà gặp vấn đề với dữ liệu thì nhóm sẽ gặp rất nhiều khó khăn để điều chỉnh, thậm chí có thể bỏ cuộc giữa chừng.
Sau khi đã thu thập xong dữ liệu, người nghiên cứu cần tiến hành xử lí xử lí để loại bỏ các dữ liệu bị lỗi, không tin cậy hoặc lọc dữ liệu để giữ lại dữ liệu phù hợp với mục đích nghiên cứu. Ngoài ra, người nghiên cứu cũng sẽ thực hiện chạy các kiểm định và mô hình (nếu có). Những hoạt động xử lí trên có thể được thực hiện bằng phần mềm (với dữ liệu định lượng) và không bằng phần mềm (với dữ liệu định tính). Ngay khi xử lí được xử lí xong, người nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích các kết quả phát hiện để đưa ra các kết luận kiểm định cho giả thuyết đã đặt ra ban đầu và các đánh giá khác.
Viết báo cáo kết quả nghiên cứu
Đây chính là bước cuối cùng để hoàn thành một nghiên cứu mà người nghiên cứu cần “cân não” rất nhiều. Ngay từ tên gọi, hoạt động này thiên về “tư duy” và diễn dịch ở dạng viết để người đọc có thể hiểu và đánh giá cao chất lượng của công trình. Người nghiên cứu cần tiến hành viết tất cả các nội dung tương ứng với đề cương nghiên cứu (bản đề cương cuối cùng) với hàm lượng nội dung phù hợp với một nghiên cứu hoàn chỉnh (tùy theo quy định của từng đơn vị).
Trong bước này, tác giả cần chú ý hai yếu tố là nội dung và văn phong, bởi đây là hai yếu tố ảnh hưởng đến đánh giá của người đọc/người phản biện đối với công trình nghiên cứu. Tất nhiên bước này nên được thực hiện càng sớm càng tốt theo như kế hoạch để tác giả có thời gian xin ý kiến từ giảng viên hướng dẫn hoặc những người có chuyên môn để chỉnh sửa một cách tốt nhất.