SKKN Áp Dụng Yếu Tố Khích Lệ Động Viên Trong Dạy Học Ngữ Văn
Có thể bạn quan tâm
Trắc Nghiệm Vật Lý 8 Bài 12 Có Đáp Án: Sự Nổi |
SKKN Áp Dụng Yếu Tố Khích Lệ Động Viên Trong Dạy Học Ngữ Văn là tài liệu học tập được Trang Tài Liệu biên soạn và sưu tầm từ những nguồn dữ liệu mới nhất hiện nay. Tài liệu này sẽ giúp các em luyện tập, củng cố kiến thức từ đó nâng cao điểm số cho môn học. Ngoài ra, cũng giúp các thầy cô giáo có nguồn tài nguyên phong phú để giảng dạy.
Dưới đây là bản đọc trực tuyến giúp thầy cô và các em học sinh có thể nghiên cứu Online hoặc bạn có thể tải miễn phí với phiên bản word để dễ dàng in ấn cũng như học tập Offline.
ÁP DỤNG YẾU TỐ KHÍCH LỆ ĐỘNG VIÊN
TRONG DẠY HỌC NGỮ VĂN
NGƯỜI THỰC HIỆN: NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH.
NĂM HỌC: 2018 - 2019
I. PHẦN MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài
Thực trạng giáo dục nói chung và thực trạng dạy học bộ môn ngữ văn nói riêng đang đứng trước nhiều vấn đề khiến mỗi giáo viên phải trăn trở. Một bộ phận giới trẻ ngày nay trong đó có lứa tuổi học sinh đang bị tác động nhiều bởi những yếu tố tiêu cực ngoài xã hội khiến các em xa lánh, quay lưng với việc học, làm các em thui chột ước mơ từ bỏ những định hướng tốt đẹp. Với góc độ giáo viên, tôi nhận thấy các em đa số lười học, không đam mê tìm tòi, thái độ ỷ lại, phó mặc…tình trạng đó diễn ra ở nhiều môn học trong đó có môn Ngữ văn.
Với sự tác động ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự ảnh hưởng bởi thái độ xem nhẹ môn văn của đa phần phụ huynh khiến học sinh có thái độ thờ ơ, quay lưng không mặn mà với môn học. Trong khi xét về vai trò thì đây là bộ môn không những dạy chữ mà còn dạy người, nó có sự tác động không nhỏ đến sự hình thành đạo đức, nhân cách học sinh. Xuất phát từ đó người ta luôn ví: “văn học là nhân học”. Những ai đang đảm nhiệm nhiệm vụ giảng dạy môn Ngữ văn đều không khỏi trăn trở, suy nghĩ, ưu phiền trước những vấn đề nói trên. Ai cũng cố gắng tìm tòi những phương pháp nhằm hướng học trò yêu thích bộ môn, nâng cao chất lượng bộ môn của mình. Trước đây bản thân tôi khi thấy học sinh lười học, bỏ bê bài vở, thờ ơ lạnh nhạt, không tha thiết với việc học văn, thì tôi hay la mắng, trách phạt, thậm chí dùng đến đòn roi… Nhưng rõ ràng với thực trạng hiện nay thì những phương pháp đó hoàn toàn phản tác dụng với việc dạy thậm chí còn gây ra những phiền lụy về sau. Quá trình giảng dạy hơn 10 năm của bản thân tôi đã tìm tòi áp dụng nhiều phương pháp mang lại hiệu quả cao, trong đó có một phương pháp bản thân tôi thấy tâm đắc vì nó không những mang lại hiệu quả, chất lượng bộ môn mà nó còn giúp tôi cải thiện được mối quan hệ giao tiếp thân thiện với học trò của mình.Thông qua dịp này bản thân tôi muốn giới thiệu với quý đồng nghiệp kinh nghiệm “ÁP DỤNG YẾU TỐ KHÍCH LỆ ĐỘNG VIÊN TRONG DẠY HỌC NGỮ VĂN”
Mục tiêu - nhiệm vụ
Khi bản thân tôi chọn đề tài này tôi đã hướng đến một số mục tiêu và nhiệm vụ như sau:
Mục tiêu.
Tạo động lực thúc đẩy quá trình học tập môn Ngữ văn cho các em.
Tạo cho các em niềm tin vào khả năng của chính bản thân mình trong học tập và trong cuộc sống.
Khơi gợi cho các em niềm hứng thú, yêu thích bộ môn ngữ văn nói riêng và các môn học khác nói chung.
Góp phần xây dựng môi trường thân thiện tích cực, tạo mối quan hệ tốt giữa giáo viên, học sinh.
Nhiệm vụ
Làm rõ những nét tích cực, hiệu quả của phương pháp “Áp dụng yếu tố khích lệ động viên trong dạy học ngữ văn”
Tìm ra một số giải pháp tối ưu để thực hiện được phương pháp này.
Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là học sinh trung học cơ sở thuộc trường THCS Phan Đình Phùng, cụ thể là lớp 7a8, năm học 2017 – 2018.
Giới hạn phạm vi nghiên cứu
Đề tài áp dụng cho bộ môn ngữ văn nói chung, áp dụng cho các đối tượng, tuy nhiên tôi có khoanh vùng một số tác phẩm Ngữ văn 7 như sau:
+ Bài “Tục ngữ về con người và xã hội” (SGK Ngữ văn 7 trang 12)
+ Bài “ Cách làm bài văn lập luận chứng minh”(SGK Ngữ văn 7 tập 2 trang 88)
+ Bài “Bạn đến chơi nhà” SGK Ngữ văn 7 tập 1
Tập thể học sinh lớp 7a8 trường THCS Phan Đình Phùng, xã Quảng Hiệp huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk
Phương pháp nghiên cứu
Tôi đã áp dụng các phương pháp:
Nghiên cứu tài liệu: Bản thân tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến khái niệm, thuật ngữ, liên quan đến vấn đề trong sáng kiến kinh nghiệm.
Điều tra thực tế tình hình học tập môn Ngữ văn của học sinh các lớp giảng dạy và trong khối để nắm bắt thực trạng.
Phát phiếu trắc nghiệm khách quan đánh giá sự hứng thú của các em với phương pháp được áp dụng trong sáng kiến .
Phương pháp vấn đáp: Giáo viên và học sinh trao đổi trực tiếp trong giờ học.
Phương pháp thực hành: qua tiết trả bài, tiết luyện nói, kiểm tra bài cũ...
Phương pháp đối chiếu, so sánh giữa kết quả trước và sau khi áp dụng sáng kiến, so sánh mức độ hứng thú, sự say mê đối với bộ môn trước và sau khi áp dụng ý tưởng.
Thu thập tài liệu, xử lý số liệu.
II. NỘI DUNG
Cơ sở lý luận
Trong giáo dục, thật ra yếu tố khích lệ động viên là một hình thức giáo dục thẩm mĩ, khi được khích lệ, động viên, nhân cách của học sinh sẽ được hoàn thiện, kiện toàn hơn, lòng tự tin được củng cố, những hành vi tích cực được phát huy và ngược lại nếu thường xuyên bị mắng mỏ, chỉ trích sẽ làm cho trạng thái của học sinh rơi vào u uất, lòng tự trọng, sự tự tin bị tổn thương. Những điều này kéo dài sẽ lâu dần làm mất hi vọng vào tương lai, nhân cách bị khiếm khuyết. Có người từng nói rằng: “Một lời chê, một lời phê bình thiếu tế nhị sẽ giết chết sự tự tin của một con người.” Huống gì những người giáo viên thường ngày tiếp xúc vơi học sinh, ngày ngày ảnh hưởng đến sự trưởng thành của mỗi con người thì lời động viên khích lệ lại càng có giá trị vì “Giáo dục xét cho cùng không phải chỉ ra ai giỏi, ai dốt để phê bình chỉ trích mà là để phát huy những tiềm năng trong mỗi con người.” Yếu tố khích lệ động viên trong cuộc sống là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong giáo dục và nó càng có ý nghĩa sâu sắc hơn trong dạy học bộ môn Ngữ văn.
Thực trạng nghiên cứu
Những năm đầu khi mới ra trường, khi học sinh còn trải qua những kỳ thi chuyển cấp tôi thấy vấn đề học được học sinh coi trọng, phụ huynh quan tâm. Phong trào học tập thi đua, cạnh tranh manh mẽ. Môn văn là một trong các môn chính được tổ chức thi nên vai trò bộ môn rất được xem trọng. Mặt khác học sinh còn chưa bị tác động nhiều bởi kinh tế thị trường, chưa bị những tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh nhiều như hiện nay nên còn chú tâm nhiều vào việc học. Tuy nhiên càng ngày, phụ huynh học sinh càng có thái độ phân biệt bộ môn, xem nhẹ bộ môn làm cho việc dạy môn văn có phần khó khăn. Những điều đó kéo dài làm cho tình trạng học sinh học văn ngày càng yếu kém. Trước tình trạng đó không ít giáo viên đã phải trăn trở tìm tòi các phương pháp nhằm áp dụng để khắc phục vấn đề.
Mặc dù có những phương pháp hay nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, có những sự đổi mới nhằm nâng cao chất lượng bộ môn tuy nhiên vấn đề chủ chốt là chúng ta phải thay đổi từ chính bản thân học sinh và thái độ học của các em. Nếu các em có hứng thú, say mê, có niềm tin, có động lực thì thì việc giảng dạy của giáo viên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thực trạng học sinh lên lớp 6 có nhiều em còn đọc chưa thông, viết chưa thạo. Chương trình Ngữ văn tương đối nặng, phần tập làm văn khó và khô ví dụ như văn nghị luận đối với học sinh lớp 7, các biện pháp tu từ đối với học sinh lớp 6... trước những khó khăn đó, nếu trong quá trình học, học sinh đã chán ,giáo viên lại hay cứng nhắc quát tháo, miệt thị, trách phạt...thì càng ngày các em lại càng xa rời bộ môn, gây chán nản, cúp tiết, bỏ học. Chính vì thế bản thân tôi nghĩ nên “áp dụng yếu tố khích lệ động viên” phần nào giúp các em tạo động lực, niềm tin, sự hứng thú và tạo mối quan hệ thân thiện giữa giáo viên với học sinh. Phương pháp này rất dễ áp dụng, có thế dùng cho mọi đối tượng, mọi địa phương, mọi môn học cũng như ngoài đời sống.
3. Nội dung và hình thức của giải pháp
a. Mục tiêu của giải pháp.
Tạo động lực thúc đầy quá trình học tập môn ngữ văn cho các em.
Tạo cho các em niềm tin vào khả năng của chính bản thân mình trong học tập và trong cuộc sống.
Khơi gợi cho các em niềm hứng thú, yêu thích bộ môn ngữ văn nói riêng và các môn học khác nói chung.
Góp phần xây dựng môi trường thân thiện tích cực, tạo mối quan hệ tốt giữa giáo viên, học sinh.
Giúp các em hình thành tốt kỹ năng giao tiếp sau này, tạo cho các em kinh nghiệm luôn biết khích lệ động viên, biết ghi nhận thành quả, khả năng của người khác.
Nội dung và cách thực hiện giải pháp
Yếu tố khích lệ động viên người khác là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống, nó giúp cho con người hứng khởi, tạo cho họ niềm tin vào sức mạnh và khả năng của chính bản thân mình, tạo động lực lớn giúp họ biến khó khăn thành hành động để đạt được mục tiêu. Trong dạy học môn Ngữ văn thì yếu tố này rất có ý nghĩa. Bản thân tôi luôn áp dụng và nhận thấy những kết quả khả quan không chỉ xét về thành tích điểm số mà quan trọng hơn còn tạo được mối quan hệ thân thiết gần gũi yêu thương giữa giáo viên và học sinh ngoài ra nó còn đem lại sự thư thái nhẹ nhàng trong mỗi tiết dạy. Tôi đã có điều kiện áp dụng phương pháp này nhiều năm ở nhiều khối lớp, tuy nhiên trong phạm vi hạn hẹp của đề tài, cho phép tôi lấy giới hạn là lớp 7A8 năm học 2017 - 2018 và một số tiết dạy của chương trình ngữ văn 7 nhằm minh họa cho vấn đề.
Bản thân tôi khi được nhà trường phân công chuyên môn dạy các lớp 9A1, 9A3 trong đó có lớp 7A8 là lớp đặc biệt, tôi có phần lo lắng vì đặc thù của lớp đa số học sinh người đồng bào, chỉ có 3 em người Kinh, lực học của các em rất yếu, các em hầu như chưa đọc thông, viết thạo, nhà xa, hoàn cảnh khó khăn, học ở các vùng trong với điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, vì các em chưa được làm quen môn tiếng Anh trước đó nên xếp các em vào một lớp để tiện cho việc dạy và học. Những tiết đầu dạy làm quen với các em tôi thấy rất áp lực và thất vọng, đắn đo suy nghĩ không biết nên dạy các em như thế nào, với đặc thù chương trình Ngữ văn 7 lại rất khó, mảng văn nghị luận và các văn bản nghị luận dài thì sẽ dạy như thế nào với đối tượng đọc còn chưa được. Tôi đã trải qua những tiết dạy như chỉ có một mình tôi trong lớp... Sau đó, tôi nghĩ chưa thể yêu cầu các em học tốt được, chỉ yêu cầu các em chịu học đã là một vấn đề rồi và tôi đã quyết định phải thường xuyên áp dụng linh hoạt yếu tố khích lệ, động viên các em để giúp các em có thể mở lòng, có thể tạo mối quan hệ gần gũi với các em, có thể giúp các em có niềm tin, động lực với bộ môn, có như thế mới mong các em tiến bộ. Sau đây là một số giải pháp tôi đã song song áp dụng trong suốt quá trình dạy học.
Giải pháp 1: Khích lệ, khuyến khích, động viên các em mạnh dạn nói và đọc trước tập thể.
Trong dạy học môn ngữ văn, phần đọc văn bản, đọc ngữ liệu đóng vai trò quan trọng đến sự thành công của tiết dạy, tiết học. Dù học tiếng Việt cũng phải đọc ngữ liệu, đọc yêu cầu bài tập, học tập làm văn cũng phải đọc tham khảo, hay học văn bản thì càng không thể không cho học sinh đọc để nắm tinh thần, nội dung tác phẩm. Nhưng thực tế không phải bất kỳ học sinh nào cũng có khả năng đọc lưu loát, trôi chảy, cũng không phải bất kỳ học sinh nào đọc tốt cũng có thể mạnh dạn xung phong đọc bài trước tập thể. Thậm chí có rất nhiều em học sinh bước vào cấp 2 khi đọc và viết còn chưa thành thạo. Đây là một cản trở lớn của quá trình học văn, khiến các em ngại học văn. Lớp 7A8 tôi dạy cũng vậy, những buổi đầu tiên vào lớp các em không nói không rằng, chỉ đứng chào giáo viên xong ngồi xuống một cách lặng lẽ, giáo viên chép lên bảng thì chép theo nhưng không bao giờ các em xung phong đọc bài, dù có gọi các em cũng chỉ đứng im lặng nhìn như thế. Tôi cảm thấy áp lực vô cùng, cảm tưởng như không hề có sự giao lưu giữa cô và trò, những buổi học quá nặng nề. Sau đó tôi tìm cách nói chuyện với các em, tôi kể về tôi, tuổi nhỏ, đi học cũng nhút nhát, nhà xa, nghèo... các em bắt đầu có sự chú ý, sau đó tôi gọi từng em một nói về tên của mình, nơi ở, sở thích... nói những chuyện không liên quan gì đến buổi học cả. Sau mỗi lần các em nói tên, tôi khen em nói hay, nói to, giọng dễ nghe rồi hỏi tại sao khi cô dạy các em lại không dám đọc bài? Sau đó tôi chỉ định vài em trong tiết học tới phải đọc bài cho lớp vì tôi đã khen em ấy nói rất rõ ràng và lưu loát, các em đồng ý và đúng tiết học văn đã chịu xung phong đọc bài. Sau mỗi lần các em đọc dù tốt hay không tôi cũng dùng những lời khen phù hợp cho các em: em đoc rất tốt, em đọc gần tốt, em cần cố gắng tí nữa thôi, em đọc hay nhưng còn nhỏ quá các bạn cuối lớp chưa nghe... cứ dần dần như thế tôi phát hiện ra nhiều em đọc còn rất yếu nên e ngại, nhưng tôi đã dần khen ngợi, động viên, rèn luyện cho các em. Từ đó tôi không còn phải đọc tất cả các phần như trước nữa. Các em đã tự tin xung phong đọc, lên bảng đọc và các em cảm thấy như mình làm được điều gì lớn lao lắm. Có những tác phẩm yêu cầu đọc phân vai cũng phải khen các em là vì sao em lại có thể đảm nhiệm vài này vai kia để đạt hiệu quả khi đọc. Quả thật đối với học sinh vùng sâu vùng xa có những điều giáo viên phải kìm cảm xúc lại, phải cúi mình xuống gần với các em hơn. Nếu nghĩ lẽ ra học sinh cấp 1 đã phải đọc tốt thì chúng ta có thể nổi nóng, chê bai, miệt thị các em và thậm chí còn dùng roi vọt thì quả thật khoảng cách giữa giáo viên học sinh ngày càng xa và cứ tới giờ văn các em sẽ rất chán nản và áp lực kể cả giáo viên. Với những câu nói như: xuống cấp 1 học đọc lại, cấp 2 rồi mà đọc như thế ư... có thể gây cho các em sự mặc cảm, tự ti, chạm đến lòng tự trọng gây tổn thương cho các em? Nên đôi lúc chỉ cần lời nói chúng ta cũng đã làm thay đổi được tâm thế và nhận thức của các em. Học văn thường phải có yêu cầu soạn văn bản trước ở nhà, tuy nhiên nếu khả năng đọc của các em hạn chế thì các em sẽ không có hứng thú đọc ngữ liệu để soạn bài. Cũng không có khả năng tiếp xúc với các loại văn bản trong cuộc sống, đồng thời ảnh hưởng đến các môn học khác nữa. Vì vậy đây cũng là một trách nhiệm nặng nề của giáo viên dạy văn, hãy gần gũi động viên giúp đỡ các em đọc tốt, nói tốt trước tập thể để tiết dạy của chúng ta nhẹ nhàng hơn hiệu quả hơn và nâng cao khả năng giao tiếp của các em sau này.
Giải pháp 2: Khích lệ động viên các em có tinh thần xung phong xây dựng bài học.
Một tiết dạy nếu chỉ diễn ra théo hướng độc thoại của giáo viên thì dù kiến thức có được chép đầy bảng hay truyền thụ cho xong thì cũng không thể được đánh giá là tiết dạy thành công. Tiết dạy thành công phải được đánh giá trên nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hợp tác giữa giáo viên và học sinh. Cảm giác vui mừng, hứng khởi biết bao khi giáo viên đọc xong một câu hỏi hay đưa ra một vấn đề cần giải quyết thì dưới lớp hàng loạt cánh tay đưa lên chờ được gọi tên mình. Tuy nhiên cũng thật hụt hẫng và nản chí nếu giáo viên tiết dạy nào cũng phải tự mình độc thoại, tự mình hỏi rồi tự mình trả lời cho kịp thời gian...
Tình trạng các em lười hợp tác, học thụ động cũng có nhiều nguyên nhân, về phía học sinh có thể các em nhút nhát chưa một lần thử giơ cánh tay lên, có thể các em không biết, có thể các em biết nhưng ngại sợ trả lời không đúng bị cười chê... về phía giáo viên có thể luôn đưa câu hỏi quá khó chưa có tính gợi mở, có thể giáo viên đó hay chê bai khiến học sinh không tự tin... Giáo viên muốn các em hăng hái tham gia xây dựng bài học để tạo cảm hứng cho tiết dạy thì giáo viên đó phải khắc phục các tình trạng trên có thể chỉ thông qua nghệ thuật khích lệ, động viên các em qua một số hình thức đơn giản.
Trước hết trong từng bài học, giáo viên phải chuẩn bị sẵn các mức độ câu hỏi khác nhau, từ dễ đến khó, chuẩn bị các hình thức câu hỏi khác nhau: câu hỏi biểu quyết chọn phương án, câu hỏi tự luận, câu hỏi hợp tác nhóm... sau đó dùng phương pháp động viên các em giơ tay.
Ví dụ khi dạy bài “Cuộc chia tay của những con búp bê” Giáo viên có thể hỏi:
- Văn bản này của tác giả nào? Đạt giải mấy ? Trong cuộc thi gì?
Rõ ràng đây là mộ câu hỏi rất dễ vì thông tin có hết trong SGK, bất kể em nào cũng có thể trả lời được nếu các em chú ý vào SGK. Tuy nhiên nếu dưới lớp học sinh vẫn không hợp tác hoặc hợp tác ít thì tôi sẽ dùng phương pháp khích lệ bằng những câu nói khác (thông tin có trong SGK xem em nào tinh mắt hơn nào, hoặc các bạn dãy bên này xung phong đông quá, hơn dãy bên kia rồi, hoặc cô xem bên nào xung phong đông hơn...) đối với nhưng câu hỏi dễ khi giáo viên động viên như thế các em sẽ có tâm thế thi đua hăng hái và tạo thành thói quen. Nếu kiến thưc dễ nhưng vô tình các em trả lời sai tôi lại chỉ cho em ấy quan sát SGK dòng nào, trang nào và động viên em làm lại. Sau khi đúng lại dùng lời khen ngợi em ấy ở mức độ phù hợp tránh làm em ấy cảm thấy xấu hổ và áy náy.
Đối với những câu hỏi khó ví dụ : Khi dạy bài “Đức tính giản dị của Bác Hồ” giaó viên hỏi: Qua văn bản này em học tập được điều gì từ Bác ?”
Khi các em trả lời được thì động viên khích lệ cao hơn, có thể lời khen trực tiếp bộc lộ cảm xúc thán phục (em giỏi lắm, em làm tốt lắm, em nắm kiến thức rất chắc, em thông minh thật, em xứng đáng nhận 10 điểm, em xứng đáng được nhận tràng pháo tay...). Nếu trường hợp học sinh xung phong nhưng trả lời sai tôi vẫn luôn nói: em xung phong phát biểu đối với cô là điều rất tốt, có những bạn bên em đâu dám xung phong, em giỏi và dũng cảm hơn các bạn nhiều lắm...
Thật sự cư như vậy từ một lớp học các em không dám đọc bài đến khi các em rất hăng hái tham gia từng câu hỏi, từng vấn đề của bài dạy, tôi cảm thấy rất vui, các em cũng dần trở nên gần gũi không còn tự ti mặc cảm như trước. Em nào cũng thấy mình có giá trị trong tiết học, được động viên, được khen ngợi, được tham gia đóng góp vì có những câu hỏi phù hợp cho từng đối tượng khác nhau. Đôi khi đối phó với câu trả lời sai đến buồn cười thì tôi chỉ nói: em thật là người có óc hài hước...
Thử hỏi nếu chúng ta không động viên khuyến khích, chỉ áp đặt, khi các em sai thì chỉ trích, chê bai thì chắc chắn không bao giờ tạo cho các em niềm vui, động lực để phấn đấu, các em mất niềm tin vào bản thân, học thụ động mang tính nhồi nhét. Một câu la mắng chê bai, chỉ trích hay một lời khen ngợi đúng lúc cũng đều là lời nói tuy nhiên cái kết mà nó mang lại thì khác nhau rất nhiều.
Giải pháp 3. Động viên khích lệ quá trình đọc bài, soạn bài ở nhà trước khi lên lớp.
Chương trình ngữ văn THCS đối với từng lớp, lớp nào cũng có cái khó và sức nặng riêng. Nếu chỉ dựa vào 45 phút trên lớp của giáo viên thì không thể nào giúp các em hiểu sâu nội dung kiến thức dược. Chính vì thế việc yêu cầu học sinh đọc trước bài học, dựa vào những câu hỏi gợi ý SGK để tìm hiểu bài học trước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên với tình trạng học sinh lười học như hiện nay, môn văn lại là môn các em và gia đình hay xem nhẹ thì yêu cầu trên cũng không mấy em thực hiện. Trước đây tôi thấy các giáo viên thường áp dụng cách cho học sinh chép phạt, đứng góc lớp, dùng roi vọt... nhưng hiện nay tôi thấy những cách đó không còn mang lại hiệu quả, có khi còn phản tác dụng. Học sinh hoặc lì đòn không sợ phạt, hoặc vì sợ mà trốn tiết bỏ học lang thang hết tiết mới vào. Bản thân tôi nhận thấy hiện nay văn hóa đọc đang dần xuống cấp, sự tác động bởi những yếu tố bên ngoài cũng khiến các em tìm thấy những thứ giải trí thú vị mà quên đi việc học.Cho nên bản thân tôi luôn tìm cách khích lệ động viên nhằm hướng các em đến nhu cầu, ý thức tự giác đọc sách và soạn bài.
Đối với lớp 7A8 đặc thù đa số các em học yếu, khả năng đọc sách soạn bài có hạn nên sau mỗi tiết học tôi thường dành ra khoảng 3 phút hướng dẫn sơ và khoanh vùng một số câu hỏi trọng tâm và yêu cầu các em về đọc bài và soạn trước bài sẽ học trong tiết sau. Đối với những câu hỏi khó thì không bắt buộc các em, chỉ khuyến khích tuyên dương, cộng điểm... nếu làm được. Vì thật sự ra trong chương trình Ngữ văn 7, phần văn nghị luận đối với tầm nhận thức của các em là khó tiếp cận. Nên đối với học sinh học yếu thì chúng ta không thể đòi hỏi ở các em quá nhiều.
Ví dụ: Khi dặn các em về nhà soạn bài: “Cách Làm Bài Văn Lập Luận Chứng Minh”.(SGK ngữ văn 7 tập 2 trang 88. Tôi dặn các em về nhà đọc và soạn bài. Nhưng tôi lưu ý các em soạn hoàn chỉnh các câu hỏi đơn giản.
Ví dụ: Câu 1. Theo em có mấy bước để làm bài văn lập luận chứng minh?
Câu 2. Trong các bước đó em thấy bước nào em hay bỏ qua ? hậu quả của việc bỏ qua các bước đó là như thế nào?
Hôm sau, trước khi học tôi tranh thủ cùng với thời gian kiểm tra bài cũ kiểm tra vở soạn 2-3 em. Nếu em soạn bài tôt sẽ ghi tên lên bảng tuyên dương, ghi điểm cho các em hoặc cộng vào điểm miệng tùy mức độ, nhiều khi phê vài dòng vào vở soạn (Hôm nay em hoàn thành bài về nhà rất tốt, em soạn bài hay... và nhắc em mang về cho bố mẹ xem...) những hành động này lặp đi lặp lại thường xuyên tôi nhận thấy các em hào hứng soạn bài, lên lớp rất mong mình được kiểm tra vở soạn chứ không hề sợ gọi tên. Và sau mỗi tiết học nếu tôi quên thì các em lại hỏi tôi là: về nhà bọn em soạn bài nào? Tôi cảm thấy vui về điều đó vì ít ra các em có quan tâm để ý đến bộ môn, đến tiết sau sẽ học bài nào?
Có vài em thực sự lười, ít chú ý bài soạn thì tôi phân công cho em trách nhiệm kiểm tra vở soạn của vài bạn khác trong tổ, và tôi nói với em “em phải soạn ít nhất 1-2 câu, tốt nhất là soạn hết thì kiểm tra các bạn khác mới được, đỡ xấu hổ...” Rồi các em cũng cố gắng soạn cho bằng các bạn khác.
Giải pháp 4. Khích lệ, động viên những ý tưởng sáng tạo các các em, tránh rập khuôn, máy móc.
Chúng ta hiện nay đang dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, người thầy chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn. Tuy nhiên không ít giáo viên vẫn hay có kiểu rập khuôn, máy móc không tán thành, động viên, khích lệ hay khuyến khích những điều mang tính sáng tạo từ các em. Điểu đó làm cho các em không còn tự tin khi tìm tòi cái mới, không dám tự tin bộc lộ khả năng của bản thân mình.
Bản thân tôi rất coi trọng những đóng góp xây dựng bài từ phía học sinh, dù tốt hay không thì đôi với một số em đó chính là cả quá trình chiến đấu, chiến thắng bản thân mình: chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng sự nhút nhát, chiến thắng sự tự ti để có thể giơ cao cánh tay đứng lên trả lời trước tập thể. Đáng quý hơn nếu các em biết tìm tòi những khía cạnh mới mẻ dựa trên nội dung bài học. Nếu câu trả lời của các em không phù hợp ý tôi, không phù hợp với nội dung đang bàn luận thì tôi sẽ ghi nhận ở khía cạnh khác, khen ngợi khích lệ em ở khía cạnh khác phù hợp với ý tưởng của em tránh làm các em hụt hẫng, thất vọng về bản thân khiến các em nhụt chí, ngại ngùng...
Ví dụ khi tôi dạy bài “Bạn Đến Chơi Nhà” SGK ngữ văn 7 tập 1. Tôi đưa ra câu hỏi:
- Theo em, tại sao tác giả lại viết nhiều về cái không mà chỉ viết về một thứ có (không cá, không gà, không cải, không bầu, không cà, không có cả trầu tiếp bạn. Nhưng chỉ có một thứ là hiện hữu tại nhà tác giả lúc này đó là có Ta với Ta?). Tôi khá bất ngờ khi có một em nam học rất yếu, em ấy xung phong và nói :
- Tác giả muốn nói với người bạn là nhà mình rất nghèo.
Lúc đó tôi nghĩ có thể các em này đã hiểu vấn đề theo kiểu hết sức đơn giản. Đôi khi gặp những câu trả lời khiến chúng ta khó chịu, tuy nhiên nếu chúng ta bình tĩnh lại, và xem xét vấn đề ở góc độ các em để tìm cách xoay chuyển khiến học sinh thấy cái khác trong câu trả lời của bạn thì mọi thứ sẽ trôi qua dễ dàng. Sau khi nhận câu trả lời ấy tôi cũng cố gắng phân tích nó theo ý của học sinh.
- Em nói đúng, nhà tác giả nghèo nhưng nghèo về vật chất chứ không nghèo về tình cảm. Tình cảm của ông đối với bạn tràn đầy yêu thương, quý trọng, tình cảm chân thành vượt lên trên cái nghèo về vật chất .Thông qua đó giáo dục các em về tình bạn. Sau đó tôi động viên em hôm nay có tinh thần xung phong, có cách trả lời rất ngắn gọn, mới mẻ, sáng tạo, lần sau em cần cố gắng nhiều hơn... Mặc dù mức độ không đạt, không hay, không chất văn như tôi mong muốn, nhưng rõ ràng đó đã là một sự cố gắng cần được ghi nhận. Và sau lần đó tôi thấy em chú ý bài học hơn và hòa đồng hơn. Rõ ràng đối với đối tượng các em học sinh người đồng bào, học yếu thì để các em có tinh thần học và yêu thích bộ môn là điều khó khăn, chúng ta phải luôn động viên, khích lệ các em nhiều hơn để các em ngoài việc đến trường để học, các em còn tìm thấy niềm vui, sự ấm áp, tình thương...
Không chỉ trong tiết học mà đặc biệt là trong tiết kiểm tra đánh giá thường xuyên, các em học sinh thường có những ý sáng tạo, thể hiện lối suy nghĩ riêng của bản thân, tôi thường xem xét kỹ và đánh giá cao nếu đó là những suy nghĩ tích cực có ích cho cuộc sỗng, mang tính nhân văn và phù hợp với vấn đề các em đang bàn luận.
Nếu các em có những ý sáng tạo thi dù không giống với nội dung mình đã dạy các em trong vở, giáo viên vẫn nên khích lệ động viên và có những lời khen thích đáng tạo cho các em tâm thế, niềm vui, động lực và sự tự hào về bản thân. Những lời khen này ngoài phê vào giấy kiểm tra, giáo viên nên khen ngợi các em trước tập thể vào tiết trả bài để tạo động lực cho những em khác. Khi khen phải chân thành từ ánh mắt đến nụ cười khiến các em cảm nhận được tình cảm của giáo viên giành cho mình.
Giải pháp 5: Xem tiết trả bài như một buổi lễ phát thưởng.
Tiết trả bài của tiếng Việt, Văn học hay bài viết đều được học sinh trông ngóng, đặc biệt là đối với những em có thái độ học tập nghiêm túc. Trong khi đó về phía giáo viên, để tiết trả bài mang lại hiệu quả cao không hề đơn giản, giáo viên thường có tâm lí hoặc trả cho xong không cần chữa nội dung không cần nhận xét, hoặc ngại nhận xét những bài quá thấp khiến học sinh không hài lòng... đây chính là nhược điểm khiến cho những lỗ hổng trong kiến thức và kỹ năng của học sinh không có cơ hội khắc phục. Bởi vì mấu chốt cuối cùng vẫn đánh giá thông qua điểm số nên tiết trả bài là tiết cần đầu tư hoàn chỉnh giúp các em rút ra những kinh nghiệm để có thể tiến bộ hơn.
Trước đây mỗi khi tới tiết trả bài, tôi thường la mắng các em, chỉ trích các em, thái độ rất gay gắt tôi nhận thấy dần các em trơ lì không quan tâm điểm số nữa, bài phát ra bao nhiêu cũng như nhau. Thậm chí có nhiều em điểm tốt cũng không kịp khen.
Sau này tôi đã nhận ra sự kỳ vọng của các em gửi gắm qua bài làm kiểm tra như thế nào. Tôi thay đổi phương pháp trả bài kiểu khác.sau khi chữa đề trên bảng, tôi gom những mặt mạnh của các em để khen (các em đều, các em đã biết, các em đã hoàn thành... đây là những cụm từ quan trọng giúp các em có hứng thú và niềm vui. Sau đó nhận xét về những mặt hạn chế, tránh sử dụng những câu từ chê bai, chỉ trích, so sánh các em với nhau lớp này lớp khác... (Tôi thường dùng những cụm từ nêu bật nhược điểm nhưng tránh gây tổn thương các em ví dụ: các em cần khắc phục điểm này, các em cần cố gắng ý kia, có một số chỗ các em làm chưa được tốt lắm, có điều này các em nên tránh lặp lại…) như vậy các em dễ dàng tiếp thu như cốc nước nguội ai cũng thích, cũng dễ uống hơn nước nóng.
Sau khi nhận xét chung, tôi chia các em theo nhóm điểm từ thấp đến cao. Sau đó nhận xét riêng từng nhóm về hai mặt và trả bài theo từng nhóm điểm, em nào cao điểm nhất sẽ nhận bài cuối cùng do chính tay tôi trao, trước đó tôi cho đọc bài em trước lớp, phân tích những ưu điểm của bài cho học sinh tham khảo, sau đó mời em lên bảng nhận bài và lớp thưởng một tràng pháo tay. Mỗi làn trả bài dù học sinh có tiến bộ chút ít tôi cũng ghi nhận và so sánh khích lệ em, so sánh điểm số và đặt niềm tin lần sau cô tin em sẽ làm tốt hơn nữa. Tôi thấy trước đây tiết trả bài các em thường áp lực, lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên sau này được sự động viên đúng mực của tôi, tôi thấy các em trông chờ, hồi hộp theo dõi, nghiêm túc dõi theo từng xấp bài của nhóm, ai cũng mong không có tên mình để mình là người cuối cùng được giữ bài lại. Cứ như thế tôi thấy tiết trả bài không khác nào buổi lễ trao thưởng, cứ nhẹ nhàng, thú vị, háo hức, vui tươi.
Thật ra yếu tố khích lệ đông viên rất dễ áp dụng, có thể lan tỏa ở nhiều phạm vi, nhiều đối tượng, có thể áp dụng trong giáo dục và mọi lĩnh vực khác ngoài đời sống.
Mối quan hệ giữa các giải pháp.
Muốn áp dụng yếu tố khích lệ động viên mang lại hiệu quả, chúng ta cần song song áp dụng các giải pháp khác nhau, vì chúng như một quá trình xuyên suốt để dần hình thành cho các em ý chi, nghị lực, niềm tin cho bản thân và nâng cao chất lượng học tập cũng như cải thiện mối quan hệ thân thiện giưa giáo viên và học sinh.
Kết quả khảo nghiệm giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu phạm vi và hiệu quả ứng dụng.
Một thời gian dài áp dụng phương pháp này, đặc biệt là đối với lớp 7A8 trong năm học 2017-2018. Bản thân tôi đã nhận thấy sự khác biệt rõ rệt từ trong thái độ, nhận thức của các em cho tới kết quả học tập.
Từ một lớp đứng cuối của khối 6 về chất lượng học, khi lên lớp 7 các em vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế, việc tiếp thu chương trình học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều em trong lớp đọc viết chưa thành thạo, đa số các em người đồng bào (26/29) vấn đề học gia đình khó khăn chưa thự sự quan tâm. Lên lớp 7 với chương trình Ngữ văn khó và có phần khô khan khiến các em rất ngại học gây nhiều khó khăn cho bản thân người dạy… Nhờ sự áp dụng kịp thời yếu tố khích lệ động viên trong quá trình học đã giúp các em có hào hứng, có niềm tin vào khả năng của chính bản thân mình. Các em đã không ngại học văn như trước, các em đã chủ động tiếp cận môn học, không còn thụ động, thoái thác như trước.
Điều lớn nhât tôi thu nhận được là các em yêu thích bộ môn hơn và từ đó siêng năng hơn dẫn đến kết quả học tập của các em cũng được cải thiện.
Phương pháp này rất dễ áp dụng. dễ lan tỏa, nó không những có ý nghĩa trong dạy học mà còn có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Bản thân tôi nhận thấy đây là phương pháp mang lại hiệu quả nên sẽ áp dụng lâu dài về sau, để kiểm tra tính tích cực của nó đối với các em, tôi đã phát phiếu điều tra và ghi nhận về vấn đề trên như sau.
STT |
Mặt đánh giá |
Đối tượng |
Rất thích |
Thích |
Bình thường |
1 |
Thích chủ động soạn bài, đọc bài trước khi đến lớp. |
Lớp 7A8 Sĩ số: 29 |
21 72,5 % |
5 17,2% |
3 10,3% |
2 |
Thích được gọi đọc bài và gọi nói khi luyện nói trước lớp |
16 55,2% |
8 27,6% |
5 17,2%
|
|
3 |
Thích được khen ngợi, động viên |
29 100% |
|
|
|
4 |
Thích học bộ môn văn |
21 72,5% |
5 17,2% |
3 10,3% |
Kết quả của quá trình áp dụng phương pháp này còn được thể hiện qua điểm số của các em - điểm số có sự cải thiện qua các học kỳ và kết quả cuối năm như sau:
LỚP 7A8 (sĩ số 29) NĂM HỌC: 2016-2017 |
LỚP 7A8(sĩ số 29) NĂM HỌC:2017-2018 |
||||||
ĐIỂM TBM |
HỌC KỲ I |
HỌC KỲ II |
CẢ NĂM |
ĐIỂM TBM |
HỌC KỲ I |
HỌC KỲ II |
CẢ NĂM |
Giỏi |
0
|
0 |
0 |
Giỏi |
0 |
0 |
0 |
Khá |
6 20,7%
|
9 31% |
11 37,9% |
Khá |
12 41,4% |
17 58,6% |
25 86,2% |
Trung bình |
7
24,1% |
16 55,2% |
16 55,2% |
Trung bình |
13 44,8% |
12 41,4% |
4 10,8% |
Yếu |
16 55,2%
|
5 17,2% |
2 6,9% |
Yếu |
4 13,8% |
0
|
0 |
III. KẾT LUẬN KIẾN NGHỊ
Kết luận
Khích lệ động viên là một phương pháp giáo dục mang tính nhân văn và thẩm mĩ, nó được xem như món quà thật sự có ý nghĩa, nhiều khi xét về khía cạnh nào đó nó còn có sự tác động to lớn đến cuộc đời mỗi con người. Chính sự khích lệ động viên đúng chỗ sẽ giúp con người cóa đủ động lực, niềm tin tiến lên phía trước, giúp họ có nghị lực niềm tin đương đầu với khó khăn để làm lại khi thất bại. Chúng ta - những kỹ sư tâm hồn không những giúp các em thành tài mà còn phải giúp các em trở thành những con người có nhân cách toàn vẹn. Mặt khác sử dụng yếu tố khích lệ động viên rất phù hợp với chủ trương đường lối xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích hiện nay.
Kiến nghị:
Ai đó đã từng nhận định: “Sự động viên khích lệ cho đi mà không sợ mất, nhận về mà không sợ quá tải, dùng mà không sợ lạm phát, trao mà không sợ bị từ chối” quả là rất đúng. Đối với người trao không mất mát gì như một thứ miễn phí, đối với người nhận, họ nhận được rất nhiều. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cho đi sự khích lệ, động viên và ái cũng hiểu được ý nghĩa, giá trị của yếu tố này trong cuộc sống. Vì vậy tôi kính đề nghị được nhân rộng đến các thành viên, đến các bộ môn, đến nhiều lĩnh vực không riêng gì giáo dục, để góp phần làm cho yếu tố nhân văn thẩm mĩ này ngày càng được lan tỏa sâu rộng hơn
Trong quá trình nghiên cứu và trình bày, bản thân tôi sẽ không tránh khỏi những sai sót. Năng lực bản thân có hạn, kinh nghiệm viết sáng kiến chưa nhiều, bề dày kinh nghiệm giảng dạy còn mỏng. Thời gian hoàn thiện còn gấp rút vì thế tôi kính mong được sự đóng góp, nhận xét chân thành của đồng nghiệp, của các cấp để tôi hoàn thiện hơn sáng kiến này, để có cơ hội đưa sáng kiến áp dụng rộng rãi, lâu dài…
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Quảng Phú, ngày 10/3/2019
Người Nghiên Cứu
Nguyễn Thị Hồng Hạnh
STT |
TÊN TÀI LIỆU |
NHÀ XUẤT BẢN |
1 |
Sách giáo khoa ngữ văn 7 |
NXBGD |
2 |
Sách chuẩn kiến thức kỹ năng ngữ văn tập 1 |
NXBGD |
3 |
Một số bài viết về vai trò của yếu tố khích lệ, động viên |
Nguồn tài liệu trên intenet |
MỤC LỤC
Phần |
Nội dung |
Trang |
I. Mở đầu |
1. Lí do chọn đề tài. 2. Mục tiêu, nhiệm vụ. 3. Đối tượng nghiên cứu. 4. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu. 5. Phương pháp nghiên cứu. |
2 3 3 3 3 |
II. Nội dung
|
1. Cơ sở lí luận. 2. Thực trạng 3. Nội dung và hình thức của giải pháp. |
5 5 6 - 18
|
III. Kết luận, kiến nghị. |
1. Kết luận 2. Kiến nghị |
18 19 |
PHẦN ĐÁNH GIÁ CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CÁC CẤP.
1. Đánh giá của HĐKH của nhà trường.
Hội đồng khoa học trường THCS Phan Đình Phùng thống nhất xếp loại: ……………………………………………………………………………………
Chủ tịch hội đồng khoa học
HIỆU TRƯỞNG
2. Đánh giá của hội đồng khoa học huyện Cư M’gar thống nhất xếp loại
…………………………………………………………………………………….
Chủ tịch hội đồng khoa học huyện Cư M’gar
Ngoài SKKN Áp Dụng Yếu Tố Khích Lệ Động Viên Trong Dạy Học Ngữ Văn – Tài Liệu Ngữ Văn thì các tài liệu học tập trong chương trình 8 sẽ được cập nhật liên tục và nhanh nhất có thể sau khi kỳ thi diễn ra trên Danh mục Tài Liệu Học Tập nhằm giúp các bạn đọc thuận tiện trong việc nghiên cứu tài liệu. Quý thày cô và các bạn đọc có thể chia sẻ thêm những tài liệu học tập hữu ích đến địa chỉ email của chúng tôi, nhằm xây dựng nên kho đề thi phong phú, đa dạng cho các em học sinh tham khảo và rèn luyện.
Xem thêm
Giáo Án Phụ Đạo Ngữ Văn 8 Cả Năm |
Đề Cương Ôn Tập Ngữ Văn 8 HK1 Có Đáp Án |