Docly

Khái niệm đại đoàn kết là gì? Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc

Đoàn kết là gì? Tại sao nói sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là vô cùng lớn. Hãy cùng Trang Tài Liệu khám phá khái niệm đại đoàn kết là gì, những ứng dụng trong thực tế và trong tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thông qua bài viết dưới đây.

Từ lâu, dân tộc chúng ta luôn đoàn kết với nhau để vượt qua mọi thử thách và xâm lược, đồng thời phát triển đất nước. Sự đoàn kết này đã mang lại sự phồn vinh và thịnh vượng cho đất nước hiện nay, xếp hàng cùng các quốc gia khác phát triển. Các câu ca dao và tục ngữ về đoàn kết cũng làm tăng thêm ý thức về tinh thần này, để truyền cảm hứng cho thế hệ sau giữ vững và phát huy.

Khái niệm đại đoàn kết là gì?

Đại đoàn kết toàn dân tộc – di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, khoan dung, sự cố kết, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Lịch sử mấy ngàn năm tồn tại và phát triển của dân tộc ta đã chứng minh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều kết thành sức mạnh vô địch, đưa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Nhờ tinh thần đoàn kết, nhân dân ta đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông bờ cõi, viết nên những trang sử vàng hào hùng của dân tộc.

Đại đoàn kết dân tộc trong tiếng Anh được hiểu là Great national unity.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với tinh thần nhân văn cao cả và nhãn quan chính trị sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng xây dựng và hoàn thiện tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền bá và giáo dục tư tưởng đó trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Người nhận thức sâu sắc đoàn kết là để tạo nên sức mạnh quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Thực tế lịch sử đã chứng minh: Nhờ sức mạnh của đại đoàn kết mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết cần trên cơ sở hiệp thương dân chủ, chân thành, thẳng thắn, nhân ái, gắn với đấu tranh, tự phê bình và phê bình, có sự nhất trí về mục đích và lập trường rõ ràng. Đoàn kết phải trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước – nhân nghĩa của dân tộc. Muốn đoàn kết phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người, quy tụ mọi lực lượng. Bác Hồ cũng nhiều lần khẳng định trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng đều là đồng bào ta, ít nhiều họ đều có lòng yêu nước. Vì thế nên quy tụ mọi người bằng lòng chân thành, thương dân. Ngay cả “với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết…”

Tư tương của Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết dân tộc

Khối đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc:

1-Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam.

Đề cập đến chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ” Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc Việt Nam đã hình thành và củng cố, tạo thành một truyền thống bền vững. Tinh thần ấy, tình cảm ấy theo thời gian đã trở thành lẽ sống của mỗi con người Việt Nam, làm cho vận mệnh mỗi cá nhân gắn chặt vào vận mệnh của cộng đồng, vào sự sống còn và phát triển của dân tộc. Nó là cơ sở của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần dũng cảm hy sinh vì dân, vì nước của mỗi con người Việt Nam, đồng thời là giá trị tinh thần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và của mỗi cá nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước, làm nên truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc. Dù lúc thăng, lúc trầm nhưng chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam bao giờ cũng là tinh hoa đã được hun đúc và thử nghiệm qua hàng nghìn năm lịch sử chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta. Chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết, cộng đồng của dân tộc Việt Nam là cơ sở đầu tiên, sâu xa cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

2- Quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin

Chủ nghĩa Mác- Lênin cho rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo lịch sử; giai cấp vô sản muốn thực hiện vai trò là lãnh đạo cách mạng phải trở thành dân tộc, liên minh công nông là cơ sở để xây dựng lực lượng to lớn của cách mạng. Chủ nghĩa Mác- Lênin đã ch ra cho các dân tộc bị áp bức con đường tự giải phóng. Lê-nin cho rằng, sự liên kết giai cấp, trước hết là liên minh giai cấp công nhân với nông dân là hết sức cần thiết, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng vô sản. Rằng nếu không có sự đồng tình và ủng hộ của đa số nhân dân lao động với đội ngũ tiên phong của nó, tức giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được.

3- Tổng kết những kinh nghiệm thành công và thất bại của các phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới.

Không chỉ được hình thành từ những cơ sở lý luận suông, tư tưởng này còn xuất phát từ thực tiễn lịch sử của dân tộc và nhiều năm bôn ba khảo nghiệm ở nước ngoài của Hồ Chí Minh.

a-Thực tiễn cách mạng Việt Nam

Là một người am hiểu sâu sắc lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc mình, Hồ Chí Minh nhận thức được trong thời phong kiến ch có những cuộc đấu tranh thay đổi triều đại nhưng chúng đã ghi lại những tấm gương tâm huyết của ông cha ta với tư tưởng “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” và “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”. Chính chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc trong chiều sâu và bề dày của lịch sử này đã tác động mạnh mẽ đến Hồ Chí Minh và được người ghi nhận như những bài học lớn cho sự hình thành tư tưởng của mình.

b- Thực tiễn cách mạng thế giới

Từ 1911 đến 19 1 Hồ Chí Minh đã đi đầu khắp hết các châu lục. Cuộc khảo nghiệm thực tiễn rộng lớn và công phu đã giúp Người nhận thức một sự thực:

“Các dân tộc thuộc địa tiềm ẩn một sức mạnh vĩ đại, song cuộc đấu tranh của họ chưa đi đến thắng lợi bởi vì các dân tộc bị áp bức chưa biết tập hợp lại, chưa có sự liên kết chặt chẽ với giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đế quốc, chưa có tổ chức và chưa biết tổ chức…”

Nét đặc sắc trong tư tưởng đại đoàn kết của Người

Thứ nhất, đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa lợi ích của quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ “cầu đồng tồn dị” – chấp nhận sự khác biệt của các giai tầng trong xã hội nhưng không trái với mục tiêu chung: Độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược đến từ phương Bắc, sau này là từ phương Tây. Dựng nước gắn liền với giữ nước. Theo Hồ Chí Minh, mẫu số chung của mọi giai tầng trong xã hội Việt Nam, đó là khát vọng được độc lập, khát vọng vươn tới một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Người khẳng định: “Người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn nước thống nhất độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa”.

Thứ hai, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân.

Dân trong tư tưởng Hồ chí Minh là những người cùng chung một nước, chung một cộng đồng, chung một lãnh thổ thống nhất. Người gọi nhân dân là “quốc dân”, là “đồng bào”, là “người trong một nước”. Dân là những người có chung một cội nguồn, tất cả sinh cùng một bọc, là “con Lạc cháu Hồng”, là “con Rồng cháu Tiên”, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Đó là toàn bộ đồng bào trong đại gia đình các dân tộc VN, kể cả những người ở nước ngoài, “không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu, nghèo, giai cấp, tôn giáo”, trừ bọn tay sai cho đế quốc thực dân, bọn Việt gian, bọn phản bội lại lợi ích Tổ quốc.

Nguyên tắc này vừa là sự kế thừa tư duy chính trị truyền thống của dân tộc “Dân là gốc của nước”, vừa là sự quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Hồ Chí Minh cho rằng: Dân là gốc rễ, là nền tảng của đại đoàn kết. “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Dân là chủ thể của đại đoàn kết. Dân là nguồn sức mạnh vô tận, vô địch của khối đại đoàn kết. Dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị. Do đó, cần phát huy sức mạnh của Nhân dân. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần. Đoàn kết phải thông qua các tổ chức chặt chẽ để tập hợp các tầng lớp Nhân dân. Trong Di chúc Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực ký quý báu của Đảng và Nhân dân ta”.

 Năm 1950, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ Tư pháp. Đó là một đêm mùa Hè ở vùng núi chiến khu Việt Bắc, tiết trời rất nóng nực. Bác mặc chiếc áo sơ-mi bằng vải màu vàng đã sờn bạc, để lộ bên trong chiếc áo may-ô nhuộm màu nâu. Dưới ánh đèn dầu le lói, một tay cầm chiếc quạt giấy, tay kia Bác rút trong cặp ra một xếp giấy, gồm những câu hỏi mà học viên trong lớp đã gửi lên để nhờ Bác giải đáp. Bác đọc từng câu, vừa trả lời vừa giải thích thật cặn kẽ và dễ hiểu. Đáng nhớ nhất có câu hỏi: “Làm thế nào để Tư pháp gần được dân?”. Bác trả lời: “Muốn gần dân thì đừng xa dân!”.

 Sự ủng hộ của nhân dân là hết sức to lớn. Ví dụ: Sự ủng hộ về vật chất và tinh thần cho Chính phủ ta sau khi CMT8 thành công, Tổng tuyển cử, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”…

Thứ ba, đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết lâu dài, chặt chẽ.

Đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết trên lập trường vô sản, theo ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lênin, đó là một tập hợp có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nền tảng là khối liên minh công – nông – trí thức.

Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”. Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố. Nền có vững, nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi.

Thứ tư, đại đoàn kết phải chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết phải gắn liền với tự phê bình và phê bình.

Xuất phát từ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong khối đại đoàn kết. Đồng thời, Người cho rằng, trong đoàn kết có đấu tranh, đấu tranh để củng cố đoàn kết. “Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. Do đó, trong đoàn kết phải thực hiện tự phê bình và phê bình, để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, phát huy những ưu điểm, củng cố nội bộ, củng cố tổ chức, tăng cường đoàn kết.

Trong tác phẩm Di chúc, điều mong muốn cuối cùng của Người là: Toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Tinh thần đoàn kết là gì?

Tinh thần đoàn kết là sự nhận thức về thuận tiện chung, mục tiêu, tiêu chuẩn và sự đồng cảm. Nó phải hướng tới một cảm giác thống nhất về mặt tâm lý, bao gồm tất cả các nhóm và tầng lớp xã hội. Sự đoàn kết của con người là tấm gương phản chiếu các mối quan hệ gắn kết xã hội với nhau, biến những cái “tôi” riêng biệt, nhiều, trở thành một cái “chúng ta”.

Những khía cạnh quan trọng của tinh thần đoàn kết:

– Đoàn kết bản chất luôn là sự tác động qua lại giữa các mối quan hệ. Sự đoàn kết không thể đến từ một cá nhân riêng biệt, tất cả phải cùng nhau tạo thành một tập thể, cùng nhau chia sẻ, phát triển.

– Sự đoàn kết luôn đòi hỏi chúng ta phải có chủ đích về những cam kết của mình. Mục đích của sự đoàn kết của chúng ta là gì và những cam kết đó đến từ đâu. Khi có cùng tư tưởng, định hướng, mọi việc làm sẽ được nhất quán.

– Sự đoàn kết đòi hỏi những hành động đặc thù, mà những cá thể trong đó buộc phải thay đổi, thích nghi, thậm chí có thể là một sự hy sinh. Nhiều người sẵn sàng bỏ qua thuận tiện của bản thân để đảm bảo thị trường của người khác, cho dù họ giống hay không giống tôi.

Vai trò của đại đoàn kết dân tộc

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy cao độ với quyết tâm “mang sức ta giải phóng cho ta”, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập”, khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng dậy giành chính quyền làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đem lại nền độc lập cho dân tộc và quyền tự do cho nhân dân. Chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại suốt 2000 năm trong lịch sử Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, với khẩu hiệu: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ…” và sự đồng lòng của toàn dân tộc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc… ” đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc để làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong quá trình đổi mới, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng gay gắt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân… còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận cùng với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế này đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân, trở thành thách thức đối với mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phương thức thực hiện đại đoàn kết dân tộc

Đại đoàn kết được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lượi ích tối cao của dân tộc và những lợi ích chính đáng của nhân dân lao động. Thực tiễn lịch sử đã xác nhận, suy đến cùng, mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân trở nên bền chặt hay không do chính vấn đề lợi ích quy định. Ngược lại nếu không thỏa mãn những vấn đề tối thiểu về lợi ích thì mọi khẩu hiệu về đoàn kết chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng. Tuy nhiên, mối quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp luôn là vấn đề hết sức phức tạp, chồng chéo, luôn chứa đựng những yếu tố thống nhất, mâu thuẫn và không ngừng vận động biến đổi cùng với đời sống thực tiễn.

Mẫu số chung của khối đại đoàn kết dân tộc, theo Người là chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc lập, tự do là nội dung cơ bản về quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia dân tộc, của mỗi cá nhân, thành viên trong dân tộc đó. Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi con người. Song, con người không bao giờ là một chủ thể tách biệt xã hội, con người luôn là con người xã hội và sống trong lòng mỗi quốc gia dân tộc cụ thể. Vì lẽ đó, quyền của con người luôn gắn liền với quyền của  quốc gia, dân tộc. Con người chỉ có thể mưu cầu hạnh phúc cho chính mình, được sống và được tôn trọng phẩm giá khi quốc gia dân tộc độc lập, tự do. Như vậy, xác định mục tiêu phản ánh được lợi ích cản bản, cấp bách và nóng bỏng nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam đang sống trong cảnh độc lập, tự do của Tổ quốc bị đe dọa là phương thức quan trọng để quy tụ sức mạnh toàn dân tộc của Người.

Văn mẫu nghị luận về đại đoàn kết dân tộc

Bài văn mẫu 1

Con người để hoàn thiện bản thân thì phải không ngừng trau dồi nhiều đức tính quý báu. Một trong những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần có chính là ý thức về tinh thần đoàn kết. Tinh thần đoàn kết là tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn; cùng nhau hướng đến mục tiêu tốt đẹp để phát triển cộng đồng, dân tộc và đất nước.

Cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, giúp đỡ nhau làm cuộc sống của con người ngày càng tốt lên, xã hội phát triển hơn. Một con người có tâm thiện, luôn giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ lại khi mình rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài ra, nếu xã hội ai cũng có tinh thần đoàn kết thì xã hội sẽ được lan tỏa nhiều điều tốt đẹp. Minh chứng cho tinh thần đoàn kết đó chính là trong thời kì dịch bệnh như hiện nay, cả nước ta đoàn kết một lòng chống dịch; còn thời kì lịch sử trước đây khi bị quân giặc đô hộ, nước ta đoàn kết đồng tâm hiệp lực chống lại kẻ thù vô cùng mạnh để lấy lại độc lập tự do,…

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình, lại có những người tự tách mình ra khỏi khối sức mạnh của cộng đồng,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích. Đoàn kết là một truyền thống tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện và phát huy.

Bài văn mẫu 2

Từ thuở sơ khai, bởi con người biết tập hợp lại thành một tập hợp lớn, biết gắn kết sức mạnh của các cá thể bằng những nguyên tắc chặt chẽ đã làm nên sức mạnh to lớn nhất trên mặt đất và từng bước chinh phục thế giới tự nhiên.

Từ bài học đó, nếu bạn muốn có sức mạnh, muốn có thành công, nhất định bạn phải biết đoàn kết. Nếu bạn muốn đi được nhanh, bạn hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi được xa, bạn hãy đi cùng nhau. Một người không thể tạo ra cả thế giới. Nhưng nhiều người và rất nhiều người thì điều đó hoàn toàn khả thi.

Câu chuyện bó đũa là một trong những bài học sâu sắc nhất về sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong kho tàng trí tuệ của con người. Chuyện kể rằng có một người cha ở cùng ba người con trai. Cả ba người con đều rất chăm chỉ làm lụng. Thế nhưng, hằng ngày, họ lại thường hay cãi cọ nhau chỉ vì những việc nhỏ nhặt. Việc ấy khiến người cha rất buồn lòng. Dù ông khuyên giải nhiều lần nhưng các con ông chẳng nghe. Người cha nghĩ cứ thế này mãi sao được, phải lấy thực tế để dạy chúng vậy.

Một hôm, người cha gọi ba người con lại và lấy ra một bó đũa đặt trên bàn. Người cha lấy một sợi dây chỉ đỏ buộc chặt những chiếc đũa vào với nhau rồi nói:

– Trong ba con, ai có thể bẻ gãy bó đũa này, người đó sẽ được cha để lại mọi thứ.

Dù bất ngờ và ngạc nhiên trước hành động của người cha nhưng ba người con trai cũng ngoan ngoãn làm theo. Dù đã gắng hết sức nhưng chẳng ai bẻ nỗi bó đũa đó.

Lúc này, người cha bèn tháo sợi dây ra, đưa cho mỗi con một chiếc đũa rồi nói:

– Bây giờ, các con thử đi, xem có bẻ được không?

Ông vừa dứt lời thì nghe thấy tiếng: Rắc, rắc… Cả ba người con đều bẻ gãy chiếc đũa trong nháy mắt. Người cha trầm ngâm giải thích:

– Các con cũng giống như ba chiếc đũa này. Khi bó nó lại, nó rất vững chắc. Khi tháo nó ra, nó rất mềm yếu. Nếu các con biết đoàn kết lại thì chẳng bao giờ bị thất bại. Song, nếu các con cứ suốt ngày chỉ biết cãi cọ, làm mất tình nghĩa anh em thì sẽ dễ bị bẻ gãy như những chiếc đũa kia. Sợi chỉ đỏ buộc những chiếc đũa lại với nhau chính là tình yêu thương mà các con có thể dành cho nhau. Hãy nhớ lời cha, khi cha không còn nữa, nhất định các con phải biết yêu thương, đoàn kết với nhau. Không ai có thể chia rẽ các con trừ khi các con muốn làm điều đó. Đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh vô địch.

Cả ba người con trai đều đã hiểu lời người cha dạy. Từ đó trở đi, họ biết sống hòa thuận nhau, đồng tâm hiệp lực, làm gì cũng có nhau. Vì thế mà cuộc sống của họ ngày càng khấm khá, tươi đẹp hơn.

Nếu tất cả mọi người cùng nhau tiến về phía trước, thì thành công sẽ tự nó sẽ tìm đến. Những cây liễu yếu ớt kiên trì lớn lên từng ngày cho tới một hôm tán lá của nó kết thành một bức tường chống lại cơn gió. Một cành củi khô sẽ bị cuốn trôi trong dòng nước nhưng nhiều cành củi khô kết lại với nhau đến một lúc nào đó nó sẽ làm thành bức tường ngăn dòng nước lại. Khi đứng riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Khi đứng cùng nhau, chúng ta là đại dương. Không ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta. Nhiều người chúng ta có thể làm được nhiều hơn là một số chúng ta, nhưng không ai trong chúng ta có thể làm được nhiều như tất cả chúng ta.

Bởi thế, không có gì đáng kinh ngạc khi bạn nhìn thấy cảnh hàng triệu con kiến nhỏ có thể xẻ thịt một con voi. Dòng nước mềm yếu có thể làm nên cơn cơn lũ khủng khiếp. Những hạt cát bé nhỏ có thể ngăn cách biển cả. Một cơn mưa có thể giải cứu cánh đồng đang kì khô hạn.

Sức mạnh của đoàn kết được kết hành từ tình yêu thương, niềm tin tưởng và lợi ích của tập thể và cá nhân. Không ai đoàn kết mà không có một mục đích nào. Muốn làm nên điều vĩ đại, chắc chắn, bạn cần có một tập thể vĩ đại.

Bài văn mẫu 3

Từ xưa đến nay, con người Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết trong mọi công việc. Đây là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta. Phẩm chất này đã được ông cha ta đúc kết thành câu ca dao vô cùng quen thuộc:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Từ đó dạy bảo con cháu về phẩm chất tốt đẹp này. Quả thật vậy, “một cây” thì không thể làm nên núi non nhưng “ba cây” – tượng trưng cho nhiều cây thì có thể hình thành nên không chỉ là ngọn núi thấp mà còn là núi cao. Từ “một cây” đến “ba cây” số lượng đã thay đổi nên chất lượng cũng thay đổi “ba cây chụm lại” thể hiện tinh thần đoàn kết cùng chung sức cùng làm việc. Chính sự thay đổi ấy đã mượn chuyện về cây cối để nhắc nhở chúng ta phải biết đồng sức, đồng lòng, noi theo tinh thần đoàn kết quý báu của dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử.

Tinh thần đoàn kết của dân tộc ta đã được chứng minh bằng sự phát triển của nó qua quá trình dựng và giữ nước của ông cha ta. Từ các đời vua Hùng Vương nhân dân ta đã biết đứng dậy cùng nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu… cho đến Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ… – những vị anh hùng kiên cường bất khuất này có được chiến thắng không chỉ nhờ vào chiến lược hay mà chiến thắng của họ có được còn nhờ vào sự ủng hộ, tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc của nhân dân ta. Đó cũng chính là động lực giúp nhân dân ta vượt qua mọi rào cản ngoại xâm và ngày càng khẳng định rõ hơn về quyền lãnh thổ của đất nước bằng sự chung sức, chung lòng. Tinh thần ấy ngày càng được nâng cao khi nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bằng những vũ khí thô sơ nhưng một nước nhỏ bé lại có thể chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh với những trang bị vũ khí hiện đại tất cả đều nhờ vào tinh thần đoàn kết của nhân dân ta.

Những chiến thắng trong lịch sử đã một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của câu ca dao: ”Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của ông cha ta. Dù việc khó đến mấy thì khi có tinh thần đoàn kết ta cũng dễ dàng thực hiện được. Tinh thần đoàn kết là rất cần có và trong một tập thể thì vai trò của tinh thần đoàn kết càng trở nên quan trọng hơn nữa vì nếu mọi người cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết thì mối quan hệ giữa mọi người càng trở nên tốt đẹp hơn. Thể hiện tinh thần đoàn kết còn là biểu hiện của người có văn hóa, tri thức. Vậy mà trong tập thể vẫn còn có “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Họ luôn tìm cách chia bè phái gây mất đoàn kết, từ đó hình thành nên những mâu thuẫn, hiềm khích không đáng có. Thái độ và hành động đó cần được phê phán. Đoàn kết là một đức tính cần thiết trong việc xây dựng và hình thành tính cách con người. Bản thân em để xây dựng tinh thần đoàn kết em sẽ cùng các bạn trong lớp, trường thắt chặt tình đoàn kết để tạo ra mối quan hệ tốt đẹp. Em sẽ vận động các bạn trong một lớp cùng chơi với nhau chứ không chia ra chơi theo nhóm để rồi người này nói không tốt về người kia gây ra hiểu lầm.

Không chỉ thế, em còn tạo mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè thế giới về con người Việt Nam thân thiện nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết. Tinh thần đoàn kết luôn là một truyền thống quý báu của dân tộc được mọi người coi trọng và đề cao. Ngày nay, tinh thần đoàn kết cũng là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi người. Thực hiện tốt tinh thần đoàn kết là ta còn làm tốt điều thứ ba trong năm điều Bác Hồ dạy.

Kết luận: Đại đoàn kết dân tộc là sự kết hợp và hòa nhập của toàn bộ thành viên trong một dân tộc, với mục tiêu chung là bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là một giá trị quan trọng và cốt lõi trong văn hóa và lịch sử dân tộc, đã được thể hiện qua sự đoàn kết trong cuộc sống và trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Đại đoàn kết dân tộc giúp tạo nên sức mạnh và sự ổn định cho quốc gia, đồng thời củng cố lòng tự hào và tình yêu quê hương. Nó là nền tảng để xây dựng và phát triển một xã hội công bằng, hòa bình và phát triển.