Docly

APEC là gì? Thông tin cơ bản về tổ chức Hợp tác kinh tế Châu Á

APEC là tên gọi của tổ chức kinh tế của các quốc gia nằm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sau đây, hãy cùng Trang tài liệu tìm hiểu về tổ chức APEC là gì nhé!

APEC là gì?

Khái niệm: APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương) là một diễn đàn không chính thức thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư chức không phải một tổ chức về kinh tế, thương mại. Hợp tác giữa các thành viên là hợp tác giữa các nền kinh tế chứ không phải với tư cách các quốc gia có chủ quyền. Do đó khi đề cập đến các thành viên APEC ta gọi là “các nền kinh tế thành viên”, hoặc “các thành viên”, hoặc “các nền kinh tế”, chứ không gọi là “đất nước” hay “quốc gia”, hay “dân tộc”. Không sử dụng chức danh “Tổng thống”, “Thủ tướng”, “Nguyên thủ quốc gia” hoặc “Người đứng đầu chính phủ” đối với các Nhà Lãnh đạo, mà gọi là các Nhà Lãnh đạo Kinh tế. Do vậy, không gọi là “Hội nghị thượng đỉnh” hay “Hội nghị cấp cao”, mà gọi là “Hội nghị không chính thức các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC”.

Trong tất cả những hoạt động của APEC chỉ sử dụng biểu trưng của APEC và biểu trưng năm APEC của chủ nhà, mà không sử dụng quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, quốc thiều.

Hồng Kông và Đài Loan cũng tham gia APEC với tư cách là nền kinh tế, nhưng theo một quy chế đặc biệt. Theo đó, Đài Loan tham gia với tên gọi là “Đài Bắc thuộc Trung Quốc” (văn bản tiếng Anh của APEC là “Chinese Taipei” và Hong Kong tham gia với tên gọi “Hong Kong của Trung Quốc” (văn bản tiếng Anh của APEC là “Hong Kong, China”). Các tên gọi trên được sử dụng trong tất cả các hội nghị, hoạt động, văn kiện, tài liệu, ấn phẩm khác cũng như trong tất cả các thu xếp về hành chính và hội nghị của APEC.

APEC tiếng Anh là Asia – Pacific Economic Cooperation

The Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC) is a regional economic forum established in 1989 to leverage the growing interdependence of the Asia-Pacific. APEC’s 21 members aim to create greater prosperity for the people of the region by promoting balanced, inclusive, sustainable, innovative and secure growth and by accelerating regional economic integration.

Lịch sử hình thành và phát triển APEC

Kinh tế toàn cầu: Toàn cầu hoá ngày càng gia tăng trên tất cả các lĩnh vực đã làm cho tính phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng. Quá trình khu vực hoá cũng ngày càng gia tăng với sự hình thành của các khối mậu dịch khu vực lớn trên thế giới như EU, AFTA, NAFTA,…

Kinh tế khu vực: Vào những năm 1980, khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Á được coi là những nền kinh tế năng động trên thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình là 9-10%/năm. Lúc này, sự hợp tác kinh tế thương mại trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương là hợp lý và cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Chính trị thế giới: Vào cuối những năm 80, chiến tranh lạnh chấm dứt, các quốc gia lớn trên thế giới đều có sự điều chỉnh về chiến lược. Đặc biệt, sự hội tụ về lợi ích kinh tế và chính trị giữa các nước lớn đã dẫn tới việc hình thành nên một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực.

Nhu cầu phát triển của các nước thành viên ASEAN: Sự hình thành một diễn đàn hợp tác phát triền kinh tế, thương mại là điều cần thiết để các nước ASEAN tăng cường tiếng nói trong khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhưng vẫn có thể giữ nguyên những cơ chế hợp tác chính trị hiện đang có.

Mục tiêu hoạt động của APEC

– Tuyên bố Seoul 1991 đề ra 4 mục tiêu phát triển trong APEC gồm:

Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.

Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ.

Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và không có hại đối với các nền kinh tế khác.

– Tuyên bố Bogor 1994 xác định mục tiêu của APEC là: thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại Châu Á- Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là 2020.

Những thành tựu nổi bật của APEC

Với vai trò là Diễn đàn phát triển năng động nhất trên thế giới, APEC ngày càng tỏ rõ sức sống và sự phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác về kinh tế – thương mại giữa các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và hình thành cơ chế kinh tế mở trên toàn cầu. Cho đến nay, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế khu vực nói riêng và thế giới nói chung.

  • Giai đoạn 1989 – 2010, giảm mức thuế trung bình từ 16,9% xuống còn 5,8%, thương mại giữa các thành viên tăng từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 9,9 nghìn tỷ USD. Tổng giá trị thương mại tăng từ 3,1 nghìn tỷ USD lên đến 16,8 nghìn tỷ USD.
  • Thúc đẩy hợp tác hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương.
  • APEC là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên trên thế giới đạt thỏa thuận về Danh mục chung về hàng hóa môi trường (năm 2015, với 54 mặt hàng môi trường giảm thuế ở mức 5% trở xuống)
  • Qua 2 lần cắt giảm vào các năm 2006 và năm 2010, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể (khoảng 5%).
  • Kế hoạch hành động về Thuận lợi hoá kinh doanh được đưa vào triển khai (mục tiêu đưa hoạt động kinh doanh rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25% trước năm 2015), Cơ chế một cửa, Kế hoạch hành động Thuận lợi hóa đầu tư APEC, Thẻ đi lại doanh nhân (ABTC), Chiến lược mới về cải cách cơ cấu, mục tiêu giảm 10% chi phí giao dịch kinh doanh vào năm 2015 thông qua cải thiện chuỗi cung ứng…
  • Các hoạt động của ECOTECH (Hợp tác kinh tế – kỹ thuật) nhằm xây dựng năng lực và kỹ năng cho các thành viên APEC trên cấp độ cá nhân và thể chế, khuyến khích các nước thành viên tham gia đầy đủ và tích cực vào kinh tế khu vực.
  • Từ năm 1993, khoảng 1600 dự án đã được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó có liên kết kinh tế khu vực, an ninh con người, cải cách cơ cấu…
  • Hỗ trợ cho khoảng 150 dự án mỗi năm với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.
  • Hình thành mạng lưới 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) hoạt động tại 10 nền kinh tế thành viên.